PHẬT
[VI] PHẬT
[FR]
[EN]
[VI] Nói một cách rất sơ lược, quan điểm Phật học về tâm lý có thể tóm lại như sau: Con người là do sự tập hợp của năm yếu tố: sắc, thụ, tưởng, hành, thức (ngũ uẩn). Sắc là phần hình hài do tứ đại là: địa, thủy, hỏa, phong kết thành như mọi vật khác; thụ là do tiếp nhận những mối kích thích của ngoại cảnh mà có cảm giác cảm xúc, có yêu có ghét, tưởng là suy nghĩ, nhớ lại; hành là hành động, tìm tác động lên sự vật; thức là hiểu biết, do thụ và tưởng mà có. Một bên là thân (tức hình sắc), một bên là tâm, tức thụ tưởng hành thức, kết hợp thành cái ngã (ta), nhưng cái ngã này biến hóa, rồi tiêu tan đi, hợp hợp tan tan, vô thường vô định, không phải là chân ngã, vì thế mới nói đến là vô ngã. Cảm nhận ngoại cảnh là do ngũ căn: mắt thấy sắc, tai nghe thanh, mũi cảm được mùi (hương), lưỡi nếm các vị và sờ mó (xúc). Từ những cảm giác ấy mà suy nghĩ, ham thích là tư, và có ý thức về ta về vật là kiến, và xuất hiện thêm một căn là ý. Tất cả kếp hợp lại thành một cá vật, tức danh sắc, chìm vào trong luồng biến hóa của vũ trụ; lúc tiếp thụ mọi điều của ngoại cảnh không rõ đó là hư vọng. Sự mê muội ấy là vô minh, dẫn đến ham muốn yêu thích, tức là á, rồi cố ôm lấy sự sống, tứ là thủ; đó là ba mối nhân duyên đầu gây ra cái hành và cái hữu, hai mối này gây ra cái nghiệp; vô minh, ái, thủ hợp thành cái hoặc, cộng với cái nghiệp, tạo ra những cái quả là: thức, lục nhập, xúc, thụ, sinh, lão – tử. (Lục nhập là do lục căn đã nói ở trên). Tóm lại từ vô minh qua cái hành mà sinh ra nghiệp, rồi cứ chìm trong luồng biến hóa cho đến lúc giác ngộ mới giải thoát. Muốn giải thoát phải qua một quá trình: giới, định, tuệ. Giới là giới luật, tự răn mình, từ bỏ ham thích, định là giữ tâm ý cho vững, tuệ là sáng suốt phân biệt thực tướng của sự vật, hiểu rõ nhân quả.