Tân bảo thủ (thuyết/chủ nghĩa) [Đức: Neo-konservatismus; Anh: Neo-conservatism]
Với Habermas, “tân bảo thủ” là quan điểm trí thức đối lập với điều ông gọi là ‘dự án về tính hiện đại’ (project of modernity), tức là đối lập với sự tiến bộ về khoa học và lịch sử, và với biện minh hợp lý tính cho đạo đức, các niềm tin về nhận thức và thẩm mỹ (Habermas, 1989b, tr. 22–47). Quan điểm tân bảo thủ được đặc trưng điển hình bởi sự thừa nhận các vấn đề và các chứng bệnh của xã hội hiện đại (và, như vậy, là đáp ứng với những gì Habermas phân tích như là sự thuộc địa hoá thế giới đời sống/colonisation of the lifeworld). Tuy nhiên, vì thiếu những gì Habermas xem như là các nguồn lực tri thức thích hợp để hiểu các vấn đề này một cách đầy đủ, nên thay vào đó, thuyết tân bảo thủ chuyển sang bác bỏ toàn bộ lý tính. Mặc cho những ý định tốt nhất của giới tân bảo thủ, việc bác bỏ này khiến nó không thể đối phó với chính các vấn đề mà nó nhận diện. Habermas phân biệt giữa ‘giới bảo thủ trẻ’, ‘giới bảo thủ già’ và ‘giới tân bảo thủ’ (1983b, tr. 14–15).
Giới bảo thủ trẻ nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh nghiệm thẩm mỹ, và sử dụng nó như sự thay thế cho lý tính. Điều này có thể được xem là bắt nguồn từ tư tưởng Nietzsche thời kỳ đầu, khi ông viện dẫn mỹ học của bi kịch Hy Lạp cổ đại, như là cách làm cho sự đau khổ có thể chấp nhận được, và bác bỏ việc lập luận của Sōkratēs theo kiểu Apollōn. Luận cứ của Nietzsche là lý trí kiểu Sōkratēs xem mọi thứ như là vấn đề có thể được giải quyết một cách hợp lý tính. Như thế là đè nén những gì phi lý tính (kể cả nền nghệ thuật lớn). Lối lập luận này được tiếp thu trong thế kỷ XX bởi các tư tưởng gia Pháp như: Georges Bataille, Michel Foucault và Jacques Derrida (xem hậu cấu trúc/post-structuralism). Quan điểm cốt yếu của Habermas ở đây là, khi từ bỏ lý tính để chọn tu từ pháp, tức là từ bỏ triển vọng việc thay đổi tâm trí con người hoặc từ bỏ việc thách thức hành vi của họ bằng uy lực của luận cứ mạnh hơn, thì lúc ấy ta lại chịu khuất phục hoàn toàn trước các hình thức cưỡng ép và thao túng tại đó chỉ quan điểm nào làm hài lòng nhiều nhất về mặt thẩm mỹ mới là quan trọng, chứ không phải quan điểm có thể biện minh một cách hợp lý tính (Habermas, 1988a, tr. 161–293).
Giới bảo thù già, một lần nữa phản ứng với các biểu hiện bệnh tật của thế giới hiện đại, lại quay về quan điểm tiền hiện đại. Ở đây hẳn là Habermas đang nghĩ đến các triết gia theo thuyết cộng đồng (communitarian) đương đại, chẳng hạn như Alisdair MacIntyre, người cố phục hồi các giá trị của sự gắn bó cộng đồng khi đối diện với sự phân mảnh của đời sống trong chủ nghĩa tư bản hậu kỳ.
Sau cùng, giới tân bảo thủ giữ lại bổn phận đối với khoa học, nhưng phủ nhận chuyện khoa học có ảnh hưởng đối với các vấn đề chính trị, đạo đức và xã hội. Thực ra, điều này dẫn đến việc hạn chế phạm vi của lý tính. Trong khi giới bảo thủ trẻ lẫn già bác bỏ lý tính công cụ/instrumental reason, chính là vì họ xem nó không có liên quan, hay thậm chí là có tác động xói mòn đối với lý luận đạo đức, thì các nhà tân bảo thủ chấp nhận lý tính công cụ ở trong lý luận đạo đức, tức là trong phạm vi các ngành khoa học tự nhiên. Mang theo dư âm của thực chứng luận/positivism, các câu hỏi về giá trị đạo đức hay thẩm mỹ qua đó bị đặt ở bên ngoài phạm vi tranh biện hợp lý tính, nhường chỗ cho tính chủ quan hoặc cho truyền thống.
Luận cứ chung của Habermas chống lại cả ba phiên bản của thuyết bảo thủ là ở chỗ chúng thiếu khái niệm thoả đáng về lý tính. Khi hạn chế những luận cứ của họ vào lý tính công cụ, họ vẫn bị kẹt trong phạm vi mà Habermas gọi là triết học về ý thức/consciousness, tức là họ vẫn không thấy tầm quan trọng của tính liên chủ thể và do đó, của lý tính giao tiếp/communicative reason.