Yêu sách về giá trị hiệu lực [Đức: Gültigkeitsanspruch; Anh: Validity claim]
Những cam kết mà những người nói tạo ra, thường là vô tình, để biện minh những gì họ đã nói và những gì họ đang làm. Theo lý thuyết của ông về thuyết dụng hành phổ quát/universal pragmatics, Habermas nhận diện bốn yêu sách về giá trị hiệu lực: đối với chân lý/truth, đối với tính đúng đắn (rightness); đối với sự thành thật (sincerity) hay sự trung thực/truthfulness; và đối với ý nghĩa/meaning. Trong thực tế, điều này có nghĩa là khi tôi nói điều gì đó thì tôi ít nhiều ngầm tạo nên chuỗi các giả định: về cách thế giới xung quanh tôi tồn tại; quyền của tôi để nói những gì tôi đang nói; rằng tôi có thành thật hay không trong những gì tôi nói; và rằng những gì tôi nói là điều mạch lạc và dễ hiểu. Về nguyên tắc, bất cứ người nghe nào cũng có thể thách thức tôi về bất cứ điểm nào trong những điểm này. Do đó, nếu tôi yêu cầu bạn cho tôi mượn cây bút, thì tôi đang giả định rằng bạn có cây bút, và bạn có thể đáp lại bằng cách nói rằng bạn không có, hay bạn đã bỏ quên nó ở thư viện. Tôi giả định rằng bạn có thể chấp nhận cho tôi mượn cái gì đó, và bạn có thể trả lời rằng bạn không bao giờ nhận lại được cây bút lần trước cho mượn, vì vậy , bạn không cho tôi mượn cây bút khác nữa. Tôi có thể chỉ trêu chọc bạn, tôi biết rõ về ‘thành tích’ không trả lại những cây bút được mượn của mình, và bạn có thể thực sự đáp lại: ‘Bạn đùa à!’ Cuối cùng, tôi có thể nói vấp, do vậy thực tế tôi có thể nói ‘Tôi có thể bượn cây pút của bạn không?’, và bạn có thể yêu cầu tôi nhắc lại, có lẽ cẩn thận hơn, nói lớn hơn hoặc nói bằng những từ khác (xem Habermas, 1976e; 1979a, tr. 1–67).