Ý thể/Lý tưởng [Đức: Ideal, ideal; Anh: ideal]
Trong tiếng Đức, cũng như tiếng trong Anh, “ideal” vừa là (1) danh từ (das Ideal) vừa là (2) tính từ (ideal). Tính từ có một chữ gần tương đương là (3) ideell bắt nguồn từ tiếng Pháp. Nó tạo ra một danh từ khác nữa, (4) (die) Idealität và một động từ (5) idealisieren.
1. Trong sử dụng thông thường, lý tưởng là một mục tiêu hay hình mẫu trong bất kỳ lĩnh vực nào thuộc về sự nỗ lực của con người: giáo dục, chính trị, nghệ thuật, khoa học, v.v. Lý tưởng có thể là một quan niệm trừu tượng, chẳng hạn như sự công chính hoàn hảo, hay một cái cá biệt tưởng tượng (chẳng hạn như NHÀ NƯỚC lý tưởng của Plato) hay một cá nhân đang tồn tại (chẳng hạn như Socrates) được xem như hiện thân cho một quan niệm như vậy. Ta có thể theo đuổi lý tưởng một cách có lý tính ngay cả khi ta không tin rằng ta có thể hiện thực hóa trọn vẹn nó hay thậm chí nó không thể được hiện thực hóa chút nào cả, miễn là ta tin rằng sự theo đuổi này sẽ dẫn ta đến gần hơn với lý tưởng. Với Kant, Ideal là một cái cá biệt hay cá vị được xem như là hoàn toàn phù hợp với một Ý NIỆM. Cho nên có những lý tưởng thuần túy (chẳng hạn như Thượng Đế, sự thiện tối cao) và những lý tưởng thường nghiệm (chẳng hạn cái đẹp hoàn hảo, hạnh phúc hoàn hảo). Những lý tưởng như vậy không có thực tại khách quan, nhưng chúng điều hướng (regulate) các nỗ lực nhận thức và thực hành của ta.
Hegel sử dụng das Ideal theo một nghĩa rộng tương tự như thế trong những tác phẩm thời kỳ đầu (chẳng hạn, Chúa Kitô như một lý tưởng được ngôi vị hóa) và trong việc tranh luận với các quan điểm của những người khác. Nhưng yêu thích của ông là mang lại cho Ideal [“lý tưởng”] một nghĩa chỉ dành riêng cho Mỹ học mà thôi. Nó không nhất thiết chỉ quy đến nghệ thuật, mà còn quy đến, chẳng hạn, vẻ đẹp của cơ thể với tư cách một sự biểu hiện của TINH THẨN, mà Hegel sử dụng thường xuyên nhất trong MH. Lý do cốt yếu cho sự hạn chế sử dụng này là thế này: Đối với Hegel, cũng như đối với Kant, một Ideal là hiện thân của một ý niệm (Idee) trong một cái cá biệt. Nhưng những cái cá biệt hiện thực như NHÀ NƯỚC có thể hiện thân cho ý niệm và không có sự không tương thích giữa ý niệm và thực tại được gợi ra bởi Ideal, và Hegel, khác với Kant, không đồng tình với các thực thể lý tưởng tưởng tượng, là cái phải chứ không bao giờ được hiện thực hóa. (Hegel xem nhà nước của Plato là một sự mô tả về thành quốc của người Hy Lạp, chứ không phải là một lý tưởng). Nhưng một tác phẩm nghệ thuật, cũng như một bức tượng, (a) là một cái cá biệt hiện thực cảm tính và theo đó không phải là một lý tưởng đơn thuần; (b) mô tả một cái cá biệt cảm tính, chẳng hạn, một cơ thể người, có tính lý tưởng so với bất kỳ cái cá biệt nào đang tồn tại thuộc về loại hình của nó, vì nó không có những khuyết điểm mà bất kỳ cái cá biệt đang tồn tại nào cũng có; và (c) không chỉ thể hiện ý niệm tuyệt đối trong hình thức cảm tính, mà bản thân nó minh họa ý niệm, vì nó là một cái toàn bộ tự đầy đủ/hoàn chỉnh một cách tương đối, là cái VƯỢT BỎ các điều kiện vật chất của sự sản xuất ra nó và HÌNH THỨC và NỘI DUNG của nó là hoàn toàn phù hợp với nhau. Vậy nên, Hegel đánh đồng ý niệm cái đẹp, ý niệm trong hình thức cảm tính, với Ideal [“lý tưởng”].
2. Tính từ ideal (“gắn liền với một Idee hay Ideal”) có ba nghĩa: (a) “lý tưởng, mẫu mực, mô hình”; (b) tương phản với real, “không mang tính vật chất, không tri giác được bằng giác quan, V.V.”; (c) tương phản với real theo nghĩa khác nữa, “không tồn tại ngoại trừ trong tư tưởng hay tưởng tượng”. Hegel sử dụng ideal theo nghĩa (b) trong tranh luận với những quan niệm của những người khác, nhưng nghĩa được ông ưa thích là (a), được giới hạn, giống như Ideal, chỉ cho Mỹ học mà thôi và nhất là cho nghệ thuật: “thuộc về lý tưởng hay ý niệm cái đẹp”.
3. Trong tiếng Đức thông thường, tính từ ideell không khác mấy với ideal, ngoại trừ rằng nó chắc chắn ít được sử dụng theo nghĩa (a) của ideal (“mẫu mực, lý tưởng, mô hình”). Nhưng, trong Hegel, ngược lại, ideell khác với ideal-, ideell được liên kết với Idee (“Ý NIỆM”) hơn là với Ideal (“lý tưởng”), và, trong những nghĩa thông thường của ideal, nó gần gũi nhất với (b). Vì ideell đối lập, ít nhất là lúc đầu, với real hay reell (Hegel không rút ra sự phân biệt tương ứng giữa hai từ này), nó không có nghĩa đơn giản “là hay hiện thân một ý niệm hay ý niệm nói chung”. Vì ý niệm không đối lập với cái thực tồn [hay thực tại], mà là sự thống nhất của cái ý niệm và cái thực tồn (BKTI, §214). Cho nên trong Lô-gíc học, thoạt đầu Hegel không giới thiệu ideell trong sự kết nối với ý niệm, mà kết nối với tồn tại-CHO-MÌNH và với sự/tính VÔ HẠN. Quan hệ của ideell với ĩdee là thế này: ý niệm (Idee) là sự thống nhất của KHÁI NIỆM và thực tại của nó. Khái niệm (chẳng hạn hạt mầm, LINH HỒN) là sự thống nhất nội tại, nhưng vẫn có tính cụ THỂ, bao hàm các phương diện hay các MÔ-MEN khác nhau vẫn chưa được thiết định trong sự phân biệt đầy đủ của chúng. Thực tại (chẳng hạn cái cây, cơ thể) là một nhất thể nhờ vào năng lực nhất thể hóa của khái niệm, nhưng bấy giờ những phương diện khác nhau của nó đã được dị biệt hóa một cách minh nhiên. Tất cả những nhân tố này là ideell theo những cách khác nhau, nhưng có liên quan với nhau:
(a) Khái niệm xét như một cái toàn bộ, về mặt nội tại, là có tính ideell, tương phản với thực tại của nó. Nó không trở nên ideell bởi bất cứ thứ gì khác, mà là ideell bởi vì nó chỉ phụ thuộc vào chính nó. Cái Tôi, chẳng hạn, là có tính ideell, vì nó hiện hữu chỉ bởi sự ý thức của nó về chính mình.
(b) Một phương diện của khái niệm là ideell, vừa bởi vì nó chỉ là một phương diện, chứ không phải là toàn bộ khái niệm, vừa bởi vì nó vẫn chưa được hiện thực hóa: chẳng hạn, trong tinh dịch, thì máu chỉ là ideell.
(c) Thực tại là có tính ideell bởi sự phụ thuộc của nó vào khái niệm hay được khái niệm làm cho mang tính ideell. Qua đó, nó không ngừng là thực tồn: thực tại của nó được VƯỢT BỎ trong tính ý thể (Idealität) của nó.
(d) Một phương diện của thực tại là có tính ideell vừa bởi sự phụ thuộc của nó vào khái niệm, vừa bởi sự phụ thuộc của nó vào cái TOÀN BỘ của cái mà nó là một bộ phận: chẳng hạn, một chi đã tách rời khỏi cơ thể không thể sống sót như một cơ quan đang hoạt động.
Hegel thường đánh đồng cái ideell với cái gì được thải hồi: thực tại và các bộ phận của nó được thải hồi bởi khái niệm. Hegel cũng liên kết nó (ideell) với sự VÔ HẠN: các bộ phận HỮU HẠN của thực tại được thải hồi thành cái toàn bộ tự túc tự mãn được thấm đẫm bởi khái niệm. Quan niệm về ideell này áp dụng vào mọi vật minh họa cho ý niệm: thế giới xét như cái toàn bộ, các giai đoạn lớn của thế giới chẳng hạn như ý niệm lô-gíc, và các đon vị hay thành tố bên trong thế giới chẳng hạn như Sự SỐNG, TINH THẦN cá nhân và nhà nước. Ideell là khái niệm trung tâm trong thuyết duy tâm của Hegel. (Đôi khi Hegel sử dụng ideell theo một nghĩa mà không có mối quan hệ rõ ràng với nghĩa của chữ Idee của ông: chẳng hạn, không gian và thời gian là có tính ideell, tưong phản với các vật thể, bởi không gian và thời gian thiếu tính cứng chắc của vật thể, mặc dù không phải vì thế mà không hiện hữu hay đon thuần có tính chủ quan).
4. Trong triết học, Idealität là đặc điểm của việc có tính ý thể (ideal), nhưng theo nghĩa là tưong phản với “thực tồn” và “thực tại”, chứ không theo nghĩa là “mẫu mực”, “lý tưởng”. Do đó đối với Kant, khi tin rằng sự hiện hữu của các đối tượng bên ngoài là đáng ngờ tức là quy tính Idealität cho chúng và lập nên (một loại hình của) thuyết duy tâm về chúng. Kant quy “Idealität (tính ý thể) siêu nghiệm” cho không gian và thời gian, và ủng hộ một thuyết duy tâm siêu nghiệm về chúng. Đối với Hegel, Idealität là đặc điểm của việc có tính chất ideell, thường theo nghĩa được Hegel ưa thích, và việc quy tính ý thể cho một loại thực thể thiết lập nên thuyết duy tâm về nó.
5. Hegel đôi khi sử dụng động từ idealisieren hay danh từ Idealisierung (“việc ý thể hóa”), và thường sử dụng khái niệm này mà không cần sử dụng chữ này. Nó không có nghĩa thông thường của việc xem hay coi điều gì đó là lý tưởng hay mẫu mực [ “lý tưởng hóa”], mà có nghĩa biến một cái gì đó thành có tính ideell. Ý niệm là một tiến trình liên tục của việc ý thể hóa hay làm cho sự vật trở thành ý thể, hon là một kết quả tĩnh tại. Cho nên cái Tôi hay tâm trí/tinh thần cá nhân, trong những cuộc chạm trán về lý thuyết và thực hành với thế giới khách quan, làm cho thế giới khách quan trở nên mang tính ý thể. Thậm chí trong trường hợp của một sinh thể, thì linh hồn hay khái niệm phải hoạt động liên tục để biến hay giải thể các bộ phận của nó thành ideell; tạo vật sẽ chết nếu hoạt động này ngưng lại. Điều này minh họa niềm tin của Hegel rằng thế giới này và các bộ phận quan trọng bên trong nó, nhất là loài người, nằm trong (hay đơn giản là) sự căng bức và hoạt động không ngừng nghỉ, một niềm tin quay trở về lại với Heraclitus, nhưng lại trường tồn trong thuyết Plato-mới.
Bùi Văn Nam Sơn dịch