Biểu tượng, Hình dung thành biểu tượng (sự) [Latinh: repraesentatio; Đức: Vorstellung; Anh: representation]
Xem thêm: Phạm trù, Nhận thức (sự), Khái niệm, Trực quan' , Ý niệm' , Tri giác, Diễn tả (sự), Cảm giác,
Trong PPLTTT, Kant định nghĩa biểu tượng là “những quy định bên trong của tâm thức ta trong mối quan hệ với thời gian lúc này hay lúc khác” (A 197/ B 242). Nhưng định nghĩa có vẻ ngắn gọn này dễ mang lại ấn tượng sai về tầm quan trọng trung tâm của khái niệm về biểu tượng trong triết học phê phán. Vì thế, để có một ý niệm rõ hơn về phạm vi của khái niệm này, ta có thể theo dõi sự phân loại các biểu tượng được giới thiệu sau đó cũng trong PPLTTT. Loại “biểu tượng nói chung” được chia thành những biểu tượng có hoặc không có ý thức. Mặc dù trong các trước tác tiền-phê phán chịu nhiều ảnh hưởng của trường phái Leibniz, Kant thường xuyên bàn về các biểu tượng không có ý thức (ĐLPĐ, tr. 191, 228 - 229), nhưng trong PPLTTT, Kant lại chỉ quan tâm đến các biểu tượng có ý thức, và đề xuất một sự phân chia các biểu tượng có ý thức bao gồm mọi yếu tố của nghiên cứu của ông về nhận thức và kinh nghiệm. Các biểu tượng có ý thức được gọi là các tri giác, các tri giác này lại được chia thành những cảm giác, hay những tri giác “chỉ quan hệ với chủ thể, diễn tả sự biến thái của trạng thái của chủ thể” và “những tri giác [có giá trị] khách quan” hay những nhận thức (PPLTTT A 320/ B 376). Trước đây, Kant đã phê phán quan điểm của trường phái Leibniz, tức quan điểm cho rằng cảm năng là “biểu tượng mù mờ vê các sự vật”; thay vào đó, Kant đã cho rằng cảm năng và các cảm giác của nó là “hiện tượng của cái gì đó, và là phương cách để ta được cái gì đó kích động” (A 44/ B 51). Tri giác chủ quan này “về mọi mặt (toto coelo) đều khác” với tri giác khách quan.
Tri giác khách quan lại được chia thành trực quan và khái niệm; cái trước liên hệ “trực tiếp với đối tượng và có tính riêng lẻ, còn cái sau là gián tiếp, thông qua một đặc điểm có chung trong nhiều đối tượng” (PPLTTT A 320/ B 377). Cả trực quan và khái niệm đều được sản sinh trong một “tác vụ của tính tự khởi”, trong đó trực quan “được mang lại trước mọi tư duy” (B 132); nhưng, trong khi trực quan mang lại một diện trường để trong đó cái đa tạp của trực quan có thể xuất hiện như một biểu tượng, thì chính khái niệm mới là cái tổng hợp các biểu tượng này thành kinh nghiệm và nhận thức. Sự áp dụng một khái niệm vào một trực quan trong phán đoán không gì khác hơn là “biểu tượng của một biểu tượng” về một đối tượng (A 68/ B 93). Quan trọng hơn, cái “Tôi tư duy”, cái cho phép tôi đưa ra phán đoán này, tự nó được mô tả như “một biểu tượng nhất thiết phải có thể đi kèm tất cả mọi biểu tượng khác [của tôi] ” (B 132). Bản thân các khái niệm cũng được phân biệt dựa theo việc chúng là thường nghiệm hoặc thuần túy. Các khái niệm thuần túy hay “các ỷ niệm” như Kant gọi chúng ở đây, hoặc là các phạm trù như Kant gọi chúng ở chỗ khác, được mô tả là có “nguồn gốc phát sinh” của chúng “chỉ từ trong giác tính” (A 320/ B 377). Thêm vào cho những biểu tượng đặc biệt này, còn có lớp các Ý niệm [siêu nghiệm] hay “các khái niệm của lý tính”, chúng là “các Ỷ niệm” vượt ra khỏi khả thể của kinh nghiệm.
Mặc dù biểu tượng có vai trò cốt yếu đối với nghiên cứu của Kant về nhận thức và kinh nghiệm, nhưng lại ít có sự bàn luận minh bạch về cái gì đang được hình dung, bởi ai (hay bởi cái gì), và [được hình dung] bằng cách nào. Trong PPLTTT, Kant dường như gợi ý rằng tâm thức (Gemüt) sở hữu một “năng lực biểu tượng” được sắp đặt một cách thụ động trong “quan năng tiếp nhận những biểu tượng” và một cách chủ động trong “tính tự khởi [trong sự sản sinh] của các khái niệm” (PPLTTT, A 50/ B 74). Bản tính của năng lực biểu tượng này còn phức tạp hon trong PPNLPĐ khi Kant phát biểu rằng “mọi biểu tượng bên trong chúng ta, bất kể chúng là đon thuần cảm tính một cách khách quan hay hoàn toàn có tính trí tuệ, thì đều có thể được nối kết một cách chủ quan với sự thích khoái hay đau đớn, cho dù cả hai có thể không được ta nhận ra” (PPNLPĐ, § 29 [Phần 1, Chưong 1, Quyển 2: “Phân tích pháp vê cái cao cả”] - BVNS, tr. 195). Chúng có hiệu quả này là nhờ chúng có “sự ảnh hưởng lên cảm giác về sự sống”và bởi việc chúng góp phần hoặc là “tạo thuận lợi hoặc là gây trở ngại cho các sức sống [Lebenskräfte]” (sđd). Với điều này, toàn bộ lý thuyết về biểu tượng được đề xuất trong PPLTTT đã được đặt vào bên trong nghiên cứu về sự vui sướng và về triết học của trường phái Epicur về sự sống được phát triển kín đáo trong cuốn PPNLPĐ. Sự nối kết giữa biểu tượng và khoái cảm Cổ thể mà Kant đã ngầm nói đến trong PPNLPĐ có thể giúp giải thích tại sao bản tính của chính biểu tượng, chứ không chỉ bảng phân loại của nó, vẫn chưa được khảo sát một cách tưong xứng trong PPLTTT.
Hoàng Phú Phương dịch