Mô phỏng/Bắt chước (sự) [Đức: Nachahmung, Anh: imitation]
Xem thêm: Khai minh, Tài năng thiên bẩm, Ý niệm, Trí tưởng tượng, Tính độc đáo/độc sáng,
Trước sau Kant vẫn nhất mực phê phán sự mô phỏng, xem tinh thần mô phỏng là điều tồi tệ nhất “của tất cả mọi thứ, nó chỉ có thể gây hại và đối lập lại với tinh thần triết học” (T, tr. 128). Từ chỗ mô tả sự mô phỏng như là “sự trau dồi giác tính của ta, ý chí của ta, kể cả ý chí lựa chọn dựa theo gưong điển hình của những người khác”, rõ ràng chính sự mô phỏng là cái đã bị ông phê phán nghiêm khắc trong KMTG như là “sự không trưởng thành do tự mình chuốc lấy”, và trong CSSHH (tr. 408, tr. 21), việc mô phỏng “không có vị trí nào trong vấn đề luân lý cả”. Khi bàn về sự mô phỏng về nghệ thuật trong PPNLPĐ thì lập trường của Kant càng nhiều sắc thái hon. Ông phân biệt sự mô phỏng như là việc làm lại giống như đúc sản phẩm của tài năng thiên bẩm (Nachmachung) với sự mô phỏng như là một sự noi gương hay tiếp bước (Nachahmung), đặt tài năng của người môn đệ “vào sự thử thách” khi so sánh với sức sáng tạo của tài năng thiên bẩm (PPNLPĐ § 47). Trong trường hợp sau, tài năng và tính độc đáo của chính người môn đệ được kích thích bằng gương điển hình của tài năng thiên bẩm, do đó tấm gương “khêu gợi những ý tưởng tương tự nơi người môn đệ của họ” (sđd).
Cù Ngọc Phương dịch