Nhiệt tình [Đức: Enthusiasm; Anh: enthusiasm]
Xem thêm: Kích động, Tinh cảm, Lịch sử, Tưởng tượng, Cao cả,
Nhiệt tình là một tình cảm về cái cao cả nảy sinh từ sự nối kết của một ý niệm với một sự kích động. Trong ĐVCC, nó được mô tả như “sự bị kích động” của tâm thức bởi một nguyên tắc, nếu đó là “các châm ngôn của đức hạnh yêu nước, hoặc của tình bạn, hoặc của tôn giáo” nhưng được phân biệt với sự cuồng tín khi “tin rằng mình cảm nhận được một sự cộng thông trực tiếp và phi thường với một tự nhiên cao hon” (ĐVCC, tr. 108). Kant giữ vững sự phân biệt này trong PPNLPĐ, ở đó sự nhiệt tình được mô tả như việc “không bị kìm chế’ của trí tưởng tượng, còn sự cuồng tín như “căn bệnh” của trí tưởng tượng. Với tư cách là sự kích động của ý niệm về cái thiện, sự nhiệt tình mang lại cho tâm thức (Gemüt) “một sức bật có tác động mạnh mẽ hon và lâu bền hon là sự thúc đẩy thông qua các biểu tượng cảm tính” (PPNLPĐ, § 29). Nó nảy sinh từ sự hòa nhập của sự kích động, ý niệm và trí tưởng tượng, và có thể đóng vai trò như một “sự thúc đẩy hành động”.
Những hàm ý của sự nhiệt tình đối với triết học lịch sử của Kant đã được Lyotard khảo sát trong cuốn The Differend (1983), ở đó nó được mô tả như “sự trình bày trừu tượng” có tính nghịch lý “vốn chẳng trình bày cái gì cả”. Với tư cách là sự xâm nhập của ý niệm vào sự kích động và hành động, sự nhiệt tình có khả năng truyền cảm hứng cho các sự kiện phá vỡ sự liên tục của lịch sử; đối với Kant, điển hình chính cho điều này là cuộc Cách mạng Pháp đương thời của ông đã được truyền cảm hứng bởi ý niệm về nền cộng hòa, một sự kiện vừa là kết quả của sự nhiệt tình vừa là nguồn suối cho các tình cảm nhiệt tình trong những khán giả của nó.
Trần Thị Ngân Hà dịch