Quan tâm (sự)/Lợi ích [Đức: das Interesse; Anh: interest]
Xem thêm: Cảm năng học/Mỹ học, Dễ chịu (cái), Mệnh lệnh nhất quyết, Động lực, Thiện (sự), Xu hướng, Mệnh lệnh, Động cơ, Triết học thực hành, Lý tính, Tôn kính (sự),
Sự quan tâm là một thuật ngữ nổi bật trong cả ba cuốn Phê phán, nhưng có nghĩa hoi khác biệt trong mỗi cuốn. Trong PPLTTT, “mối quan tâm gồm hai mặt” của lý tính tự biểu lộ ra trong những lề lối tư duy rất khác nhau của “các học trò của tự nhiên”. Những người mà quan tâm của họ đã khiến họ “hầu như ác cảm với sự dị tính, luôn luôn hướng tẩm mắt vào sự thống nhất của loài (Gattung)”, trong khi sự quan tâm của số khác có đầu óc thường nghiệm nhiều hon thì “không ngừng tìm cách mổ xẻ tự nhiên” (A 655/B 683); các nhà nghiên cứu trước nhấn mạnh sự tìm kiếm về loài, các nhà nghiên cứu sau nhấn mạnh sự tìm kiếm về giống. Trong văn cảnh lý thuyết này, sự quan tâm biểu thị một sự cam kết trước với một phương cách tư duy vốn không tự đặt cơ sở cho chính mình trên lý tính.
Kant sử dụng [khái niệm] sự quan tâm trong triết học thực hành là khá khác biệt với sự sử dụng trong PPLTTT, và cũng được định nghĩa chặt chẽ hơn. Trong CSSĐ, Kant phân biệt giữa (a) các hình thức thuần túy và có tính thực hành của lý tính với (b) các hình thức trung gian và thuộc sinh lý của lý tính. Cả hai đều biểu thị sự phụ thuộc của một “ý chí có thể quy định được một cách ngẫu nhiên dựa vào các nguyên tắc của lý tính”, nhưng cái trước “chỉ cho thấy sự phụ thuộc của ý chí vào các nguyên tắc của lý tính bởi chính nó”, trong khi cái sau cho thấy sự phụ thuộc “vì lợi ích của xu hướng” (CSSĐ tr. 413, tr. 24). Sự quan tâm trước hướng tới một hành động vì lợi ích của chính nó, sự quan tâm sau hướng tới một “đối tượng của hành động (trong chừng mực đối tượng này là dễ chịu với tôi)”; tức là, nó xem các nguyên tắc của lý tính như phương tiện để đạt được những mục đích mà xu hướng đặt ra. Trong trường hợp về sự quan tâm trực tiếp của lý tính, “giá trị hiệu lực phổ quát của châm ngôn hành động là một cơ sở đầy đủ để quy định ỷ chí”, trong khi trong sự quan tâm sinh lý là được trung giới, lý tính chỉ có thể quy định ý chí “bằng đối tượng khác của sự ham muốn hoặc dưới sự tiền giả định về tĩnh cảm đặc biệt nào đó ở trong chủ thể” (CSSĐ tr. 460. tr. 59). Nguy cơ nằm bên trong sự phân chia này là sự lựa chọn giữa tính tự trị hoặc tính ngoại trị của quy luật luân lý; hoặc chúng ta quan tâm đến quy luật luân lý vì các lý do ngoại trị, được trung giới trên phương diện sinh lý, hoặc “quy luật luân lý làm chúng ta quan tâm vì nó có giá trị hiệu lực với chúng ta xét như những con người” (tr. 461, tr. 60).
Trong PPLTTT, Kant kết hợp những sự quan tâm tư biện và thực hành của lý tính thành các câu hỏi “1. Tôi có thể biết gì? 2. Tôi phải làm gì? 3. Tôi có thể hy vọng gì?” (A 805/B 833). Câu hỏi đầu là sự quan tâm tư biện, nơi mà Kant nghĩ rằng đã được thỏa ứng trong PPLLTT. Sự quan tâm thứ hai là có tính thực hành và chỉ có thể được thỏa mãn bằng một câu trả lời trên phương diện luân lý. Sự quan tâm thứ ba được thỏa mãn bởi sự “xứng đáng được hạnh phúc” (A 806/ B 834). “Những sự quan tâm” được gợi ra qua các câu hỏi này không phải là những mục đích cụ thể mà lý tính nhắm đến, mà đúng hơn chúng chỉ ra sự định hướng cơ bản của nó trong thế giới.
Trong PPNLPĐ, Kant định nghĩa chất của phán đoán thẩm mỹ về sở thích như là “không có bất kỳ sự quan tâm nào” (§5), dù là thuần túy hay thuộc sinh lý. Sự quan tâm thuần túy về cái thiện và sự quan tâm sinh lý về sự dễ chịu nối kết sự ham muốn của chủ thể với “sự hiện hữu hiện thực của đối tượng này” (§5) sẽ làm giảm đi đặc tính tĩnh quan của phán đoán thẩm mỹ về sở thích. Điều này chỉ liên quan tới sự vui sướng và không-vui sướng mà đối tượng khơi ra mà thôi. Hầu hết những gì mà điều này gợi ra vẫn còn không rõ trong PPNLPĐ, những lập luận của cuốn này được thực hiện bằng cách phủ định những nghiên cứu hiện có về phán đoán thẩm mỹ. Sự quan tâm đến đối tượng bởi sự dễ chịu quy chiếu đến các nghiên cứu về cái đẹp được đưa ra trong các lý thuyết về sở thích của người Anh trong thế kỷ XVIII; sự quan tâm đến cái tốt quy chiếu đến các nghiên cứu của trường phái Wolff về cái đẹp như một tri giác mù mờ về sự hoàn hảo. Cả hai nghiên cứu đều thấm đẫm một mối quan tâm đối với các đối tượng riêng của chúng, nhưng đó là một mối quan tâm mà Kant cho là không thể dùng làm cơ sở cho một phán đoán về cái đẹp được, cho dù trong trường hợp về cái đẹp tự nhiên, thì sự quan tâm trí tuệ cũng có thể góp phần vào sự vui sướng do đối tượng khơi gợi ra (PPNLPĐ §42).
Mai Sơn dịch