Triết học [Đức: Philosophie; Anh: philosophy]
Xem thêm: Lịch sứ triết học, Siêu hình học, Hệ thống,
Kant đưa ra một số cách nhìn nhận về triết học, trong đó, phần được bàn kỹ nhất xuất hiện trong PPLTTT, CSSĐ và L. Mặc dù mọi định nghĩa triết học của ông đều có tính hình thức - liên quan tới khái niệm, các đối tượng, loại hình, nội dung và câu hỏi của nó - chúng luôn đi liền với một tham chiếu đến triết học đương thời hoặc triết học Hy Lạp cổ đại. Các định nghĩa triết học được phát triển trong PPLTTT tại trang A 838/B 866, là có tính luận chiến chống lại quan niệm theo kiểu Wolff về triết học; định nghĩa đưa ra trong CSSĐ tham chiếu sự phân chia triết học của “người Hy Lạp cổ đại” thành vật lý học, đạo đức học và logic học; trong khi định nghĩa về triết học trong L lại được định vị theo một lịch sử chung về triết học đi từ những người Hy Lạp tới “kỷ nguyên phê phán”. Thật vậy, với Kant, khái niệm triết học, về bản chất có tính lịch sử. Theo ông, nó dựa trên một sự phân biệt giữa (a) triết học là “một ý niệm đơn thuần về một môn khoa học khả hữu, chưa tồn tại in concreto (cụ thể) ở đâu, không ai sở hữu và không thể học hay thậm chí không thể nhận diện được; và (b) sự triết lý, hay sự tập luyện sử dụng năng lực lý luận, phù hợp với những nguyên tắc phổ quát của nó, như trong nhiều nỗ lực hiện có trong triết học” (PPLTTT A38/B866).
Đối với khái niệm về triết học, trong PPLTTT, Kant phân biệt giữa các khái niệm học thuật trường ốc và khái niệm toàn hoàn vũ. Khái niệm đầu, Kant nói “phổ biến cho tới nay”, qua đó, ám chỉ quan niệm triết học theo kiểu Wollf đang thống trị, coi nó là “một hệ thống tri thức mà ta cố cải tiến để trở thành một khoa học... [và] hậu quả là chỉ lấy sự hoàn hảo vê mặt logic của nhận thức làm mục đích” (PPLTTT A 838/B866). Còn khái niệm toàn hoàn vũ về triết học thì rộng hơn và “luôn tạo ra nền móng đích thực cho danh hiệu “triết học”, nhất là khi triết học được nhân cách hóa và được hiện thân bằng hình tượng lý tưởng của “triết gia” (A 338/ B866). Nó bao gồm “khoa học về mối quan hệ giữa mọi nhận thức với các cứu cánh cơ bản của lý tính con người” (A 839/B 867) hay “là điều mà ai ai cũng nhất thiết phải quan tâm”. Trong khái niệm sau về triết học, “triết gia” là “người ban bố luật lệ cho lý tính con người” và việc ban bố luật lệ hay “triết học” có hai đối tượng: Tự nhiên và Tự do, hay “những gì đang là” và “những gì phải là” (A840/B868).
Sự phân chia các đỗi tượng của triết học ra thành Tự nhiên và Tự do tương ứng với sự phân chia triết học ra thành Vật lý học và Đạo đức học trong Lời tựa của cuốn CSSĐ, trừ việc ở đó, chúng được kết nối bằng một sự phân chia thứ ba là logic học. Dư âm của sự phân chia này là rất rõ rệt trong cách phân loại triết học ở cuốn PPLTTT, coi nó là môn Dự bị hay “Phê phán”, “nghiên cứu về quan năng của lý tính trong mọi nhận thức thuần túy tiên nghiệm của nó, và “Siêu hình học” hay hệ thống của lý tính thuần túy chia thành Siêu hình học về tự nhiên và Siêu hình học về đức lý” (A 841/ B 869). Siêu hình học về tự nhiên và Siêu hình học về đức lý tương ứng với những cách sử dụng lý tính thuần túy theo cách “tư biện” hoặc “thực hành”. Cách sử dụng tư biện bao hàm “các nguyên tắc của lý tính thuần túy “sử dụng trong nhận thức lý thuyết về mọi sự vật”, và cách sử dụng thực hành bao hàm các nguyên tắc tiên nghiệm xác định và tạo cho mọi hành vi của chúng ta tính chất tất yếu” (A 841/B869). Tuy nhiên, giao cắt với sự phân biệt này là một hệ thống phân loại khác, là triết học thường nghiệm và triết học thuần túy, một bên bao hàm nhận thức được rút ra từ các nguyên tắc thường nghiệm, còn bên kia bao hàm nhận thức rút ra từ lý tính thuần túy, và, chỉ có loại sau mới đúng thật là triết học. Trong cuốn PPLTTT, Kant còn đưa ra một sự phân biệt nội tại ngay trong phạm vi Siêu hình học về tự nhiên; ông miêu tả Siêu hình học tự nhiên như là Siêu hình học theo nghĩa hẹp, bao gồm (a) Triết học siêu nghiệm làm việc với giác tính và lý tính tương ứng với bản thể học và (b) Tự nhiên học của lý tính thuần túy tương ứng với tự nhiên. Ngay sau khi tạo ra sự phân biệt này, Kant miêu tả hệ thống siêu hình học bằng các thuật ngữ truyền thống bao hàm Bản thể học, Tự nhiên học, Vũ trụ học, và Thần học, trong đó, Tự nhiên học được chia ra thành Vật lý học thuần lý và Tâm lý học thuần lý.
Định nghĩa khác về triết học được phát triển trong PPNLPĐ (DN I). Ở đó triết học được phân biệt như là “hệ thống của nhận thức thuần lý nhờ vào các khái niệm” từ một sự phê phán lý tính thuần túy “định ranh giới và khảo sát ngay chính ý niệm về hệ thống” [PPNLPĐ (DN I), tr. 195, tr. 3]. Ở đây, hệ thống triết học được chia thành những lĩnh vực thuộc hình thức và chất liệu, với lĩnh vực đầu (logic học) chứa đựng “mô thức tư duy trong một hệ thống những quy tắc” và lĩnh vực sau chứa đựng “khả thể của nhận thức khái niệm và thuần lý về các đối tượng khả niệm” [PPNLPĐ (DN I), tr. 195, tr. 3]. Lĩnh vực sau hay hệ thống “thực tồn” của triết học được phân chia theo các đối tượng lý thuyết và các đối tượng thực hành: triết học lý thuyết quan tâm tới các mệnh đề về “khả thể của sự vật và những sự quy định của chúng” [PPNLPĐ (DN I), tr. 196, tr. 3], còn triết học thực hành quan tâm tới các mệnh đề “thiết lập luật lệ cho sự tự do”.
Vô số định nghĩa về triết học trong các cuốn phê phán của Kant còn được làm phức tạp thêm nữa bằng các định nghĩa về triết học trong L và các tiểu luận sau này như “Von einem neuerdings erhobenen vornehmen Tone in der Philosophie” [Về một giọng điệu quý tộc mới nổi lên trong triết học] và “Verkündigung des nahen Abschlusses eines Tractats zum ewigen Frieden in der Philosophie” [Thông tri về việc sớm ký kết một hiệp ước về hòa bình vĩnh cửu trong triết học] (cả hai đều xuất bản năm 1796). Tiểu luận sau tiếp tục dự án được khởi đầu trong GM, nhằm tách triết học nói chung và siêu hình học nói riêng ra khỏi huyền học và sự sùng đạo thuần tình cảm. Bởi những gì được miêu tả trong PPLTTT như là “khái niệm toàn hoàn vũ” hay mối quan hệ của nhận thức với các cứu cánh thiết yếu của nhân loại dễ làm mồi ngon cho huyền học và tình cảm sùng đạo. Phạm vi dự án hay “lãnh địa của triết học” được xác định trong L thành bốn câu hỏi: (a) Tôi có thể biết gì? (b) Tôi phải làm gì? (c) Tôi có thể hy vọng gì? (d) Con người là gì? Ba câu hỏi đầu trong PPLTTT là những câu hỏi về “những mối quan tâm của lý tính”, song trong L chúng cùng nhau tạo nên lãnh địa của triết học, bao gồm Siêu hình học, Đức lý, Tôn giáo và Nhân học.
Định nghĩa về triết học của Kant không hề giáo điều và có sự chuyển biến. Điều này là nhờ quan điểm lịch sử của ông, coi triết học như là kết quả của sự triết lý. Bởi, thậm chí với triết học phê phán, sự triết lý là không thể có tận cùng, định nghĩa về triết học luôn mở ngỏ và phụ thuộc vào sự triết lý đương thời hay của tương lai. Những câu hỏi nhằm xác định lãnh địa triết học không thể tách rời khỏi những mối quan tâm của lý tính con người, và thậm chí không thể có một câu trả lời giáo điều cho nó. Bởi lý do đó, việc đưa ra được một định nghĩa về triết học trả lời được những câu hỏi này là điều bất khả thi: một thứ triết học như thế sẽ đánh dấu chấm hết cho sự triết lý và cả cái chết cho bản thân triết học.
Như Huy dịch