Hệ thống/Thống nhất có hệ thống (sự, tính) [Đức: System, systematische Einheit; Anh: system/systematic unity]
Xem thêm: Kiến trúc học, Triết học, Niệm thức (thuyết),
Kant mô tả sự thống nhất có hệ thống là “cái làm cho nhận thức thông thường trở thành khoa học” hay cái “từ một tổ hợp hỗn độn các nhận thức tạo thành một hệ thống” (PPLTTT A 832/B 860). Nghệ thuật xây dựng những hệ thống như thế là kiến trúc học, là sự thống nhất một tổ hợp hỗn tạp của nhận thức dựa vào một Ý niệm. Ý niệm được hiện thực hóa trong hệ thống nhờ vào một Sổ đồ nối kết một “cái đa tạp cấu tạo” với một “trật tự các bộ phận của nó” (A 833/B 861); một Sổ đồ được rút ra một cách thường nghiệm mang lại một sự thống nhất kỹ thuật về cái tổ hợp hỗn tạp, trong khi đó một Sổ đồ được rút ra từ bản thân ý niệm mang lại một sự thống nhất có tính kiến trúc học (architectonic unity). Kant tập trung bàn luận về một hệ thống nhận thức triết học mà Ý niệm của nó là một khái niệm có tính toàn hoàn vũ (conceptus cosmicus) về triết học như là “khoa học về mối quan hệ giữa mọi nhận thức với các cứu cánh Cổ bản của lý tính con người” (A 839/B 867). So đồ của một hệ thống triết học được mô tả rõ nhất trong quyển DNI, trong đó Kant phân biệt “hệ thống của nhận thức thuần lý bằng những khái niệm”, vốn là hệ thống xây dựng nên triết học từ một sự phê phán về lý tính thuần túy. Cái sau cung cấp những lược đồ hay một phác họa của những hệ thống như vậy, khi nó “phân định ranh giới và khảo sát chính ý niệm về hệ thống” (DLI, tr. 195, tr. 3). Theo đó, “hệ thống thực tồn của triết học có thể được chia thành triết học lý thuyết và triết học thực hành”, một sự phân chia mà Kant, một cách không phải là không nghi vấn, có thể nói là đã triển khai trong SHHTN và SHHĐL.
Trong PPLTTT, Kant cũng phát triển một bộ các nguyên tắc điều hành để bảo đảm sự thống nhất có hệ thống của nhận thức thường nghiệm có được bằng giác tính. Đó là những nguyên tắc về “sự đồng tính của cái đa tạp dưới các loài cao hon”, về “sự dị biệt (Varietät) của cái đồng tính dưới các giống thấp hon” và về “sự tương đồng [thân thuộc] giữa mọi khái niệm đòi hỏi một bước chuyển liên tục từ một giống này sang một giống khác thông qua sự tăng trưởng có tính cấp độ của sự dị biệt” (PPLTTT A 657/B 686). Được gọi tên một cách khác nhau như: “sự đồng tính”, “sự dị biệt” và “sự tương đồng”; hay “sự đồng tính”, “sự dị biệt hóa (Spezifikation)” và “sự liên tục”; hay “sự thống nhất”, “sự đa tạp” và “sự tương đồng”, cả ba nguyên tắc này được sử dụng một cách điêu hành để theo đuổi mục tiêu là sự hợp nhất của nhận thức có được bởi giác tính. Kant xem sự thống nhất có hệ thống của nhận thức là một ý niệm điêu hành; việc làm này vừa phân biệt quan niệm của ông với hệ thống Wolff, là hệ thống có trước công trình của ông, vừa với các hệ thống của Schelling và Hegel, là những hệ thống có sau. Hệ thống trước chỉ đưa ra một tổ hợp hỗn tạp của nhận thức không có bất cứ nguyên tắc xác định nào, trong khi hệ thống sau biến sự thống nhất có hệ thống thành một nguyên tắc cấu tạo, và cố đạt được nó như là hệ thống triết học được hiện thực hóa, điều mà Kant chỉ coi là ý niệm điều hành cho tiến trình phát triển tiến lên của nó mà thôi.
Châu Văn Ninh dịch