Hệ thống [Đức: System; Anh: System]
Cấu trúc của các phần tử. Trong hệ thống, các phần tử được chọn và sắp xếp sao cho chỉ các quan hệ nhất định giữa chúng là khả hữu, và các quan hệ khác bị cấm hay bất khả. Nói cách khác, sự lựa chọn và sắp xếp các phần tử được điều chỉnh bởi các quy tắc nghiêm ngặt. Điều này khiến hệ thống tách biệt rõ ràng với môi trường xung quanh nó, nhất là bởi vì môi trường này phức tạp hơn (trong môi trường đó cho phép nhiều hơn nhiều các mối quan hệ giữa nhiều hơn nhiều các phần tử có thể tồn tại trong hệ thống).
Nhiều loại thực thể khác nhau có thể mang đặc điểm như là các hệ thống. Chẳng hạn, ngôn ngữ là một hệ thống. Bất kỳ ngôn ngữ thông thường nào cũng bao gồm tương đối ít các tiếng động khác nhau có thể được kết hợp theo chỉ một số ít cách khác nhau. Do đó, chẳng hạn, tiếng Anh không bao gồm tiếng động được viết trong tiếng xứ Wales là ‘ll’. Tương tự, câu ‘English include noise not’ rõ ràng phá vỡ nhiều quy tắc ngữ pháp và cú pháp. Nhưng, bất cứ khi nào tôi nói điều gì đó, thì câu đó rõ ràng có thể phân biệt như là cấu trúc được tổ chức cao độ khi so sánh với tiếng ồn hỗn loạn của giao thông, mưa và máy photocopy văn phòng xung quanh tôi.
Cơ thể động vật hay cây cối có thể được hiểu như là hệ thống. Da hay lớp biểu bì của động vật giữ vai trò như ranh giới giữa hệ thống đó và môi trường, tuy nhiên nó còn cho phép trao đổi lẫn nhau giữa hai bên (chẳng hạn, như khi nó nhận hơi ấm, ánh mặt trời và hong khô). Với cơ thể chết, ranh giới này phá vỡ, sự tổ chức trong hệ thống tháo ra, và nó phân rã vào cùng cấp độ phức tạp như môi trường của nó. Ví dụ này có thể được đẩy xa hơn, để bắt đầu làm sáng tỏ cho các chức năng chung mà hệ thống phải đáp ứng nếu nó muốn tồn tại. Những chức năng này bao gồm sự thích nghi với môi trường (chẳng hạn, động vật phải ăn và có thể biến đổi một số phần của môi trường để làm nơi trú ẩn); sự hội nhập và sự tổ chức của các cấu trúc nội tại (sao cho máu lưu thông, và thức ăn được tiêu hoá); và động lực của hệ thống để đạt được những chức năng này và những mục tiêu đặc biệt khác (chẳng hạn, động vật phải tái sinh sản, ngôn ngữ phải truyền tải thông tin). Bản thân những phần trong hệ thống có thể được hiểu như hệ thống (con). Như thế, một cơ quan chẳng hạn như quả tim hay gan thì bản thân nó là một chỉnh thể có tổ chức, việc tương tác với môi trường phức tạp hơn được hợp thành với phần còn lại của cơ thể động vật, cùng với việc thực hiện các chức năng riêng (bơm, hay lọc máu).
Khái niệm hệ thống có thể được áp dụng đối với sự giải thích về các xã hội. Ban đầu là những gì được biết đến như thuyết chức năng hay thuyết cấu trúc chức năng khai thác sự tương tự giữa các xã hội và các sinh thể, đến mức phát triển phương pháp luận cho các khoa học xã hội được mô hình hoá theo sinh vật học. Phiên bản tinh tế hơn của cách tiếp cận này được phát triển vào những năm 1950, nhất là bởi lý thuyết gia xã hội học người Mỹ, Talcott Parsons, người sau đó bị ảnh hưởng rõ ràng hơn bởi khái niệm hệ thống trong điều khiển học. Habermas, trong các công trình thời kỳ trưởng thành như The Theory of Communicative Action (và đặc biệt là ở tập 2 [Habermas, 1987]), gắn bó với các công trình của Parsons, và có thể là quan trọng hơn, với các công trình của lý thuyết gia xã hội học Đức đương đại Niklaus Luhmann (xem lý thuyết hệ thống/systems theory).
Đọc thêm: Luhmann 1987; Luhmann 1995