Nguyên tắc [Hy Lạp: arche, Latinh: principium; Đức: Grundsatz; Anh: principles]
Xem thêm: Nguyên tắc của lý tính thực hành (các), Nguyên tắc của giác tính thuần túy (các),
Theo nghĩa cổ điển, một nguyên tắc là một sự bắt đầu hay một điểm xuất phát có cả đặc trưng bản thể học lẫn đặc trưng logic học. Đối với Kant, điểm chính của triết học hiện đại là “đưa ra” những nguyên tắc thỏa ứng cho những sự phân chia triết học theo triết học Hy Lạp cổ điển thành vật lý học, đạo đức học và logic học (CSSĐ, tr. 388, tr. 1).
Khi bàn đến các nghiên cứu “tiền-Socrate” và Platon về arche (nguyên tắc) trong cuốn Siêu hĩnh học (1941, 983b-988b), Aristoteles mô tả một sự phát triển từ nguyên tắc một bản nguyên vật chất của Thales, mà Thales gọi là “nước”, đến nguyên tắc nhiều bản nguyên vật chất của Empedocles. Theo Aristoteles, vấn đề này được tiếp tục ở Platon với đề xuất rằng “các ý niệm” là những nguyên tắc, và sau đó chính Aristoteles tiếp tục bằng việc ông quyết định triển khai các nguyên tắc xoay quanh quan hệ nhân quả: nguyên nhân chất liệu, nguyên nhân tác động, nguyên nhân mô thức, nguyên nhân mục đích. Các nguyên tắc này là Cổ sở bản thể học nền tảng cho tất cả những gì đang tồn tại, đồng thời là nguồn suối cuối cùng của tri thức. Sự mập mờ nước đôi giữa hai nghĩa này đã trở nên rõ ràng trong hai thuật ngữ được dùng để dịch chữ arche-. “cơ sở” bản thể học và “căn cứ” nhận thức luận.
Với truyền thống triết học Wolff, Grund (cơ sở) và ratio (căn cứ) là đồng nghĩa (xem Wolff, 1719, và Meissner, 1737); vì với các nhà duy lý, căn cứ cho tồn tại đồng thời là cơ sở để tồn tại. Vì vậy, khoa học về các nguyên tắc - hay “về nhận thức của chúng ta và về các sự vật nói chung”, theo chữ của Wolff - là bản thể học. Với những người theo thuyết Wolff, hai nguyên tắc cơ bản chung cho cả tồn tại lẫn nhận thức thực sự là những mệnh đề cơ sở (Grundsätze). Cơ bản nhất là nguyên tắc [loại trừ] mâu thuẫn, tức nguyên tắc phát biểu rằng sự vật không thể đồng thời vừa tồn tại lại vừa không tồn tại, sau đó là nguyên tắc căn cứ đầy đủ, tức nguyên tắc phát biểu rằng tất cả những gì đang tồn tại đều có một căn cứ hay một cơ sở để tồn tại.
Trong các trước tác thời kỳ tiền phê phán, Kant phê phán Wolff đã thay căn cứ cho nhận thức bằng cơ sở của tồn tại. Sự phê phán này sau đó được phát triển trong PPLTTT thành sự phân biệt giữa logic học hình thức và logic học siêu nghiệm: logic học hình thức được hợp thành từ các phán đoán phân tích, còn logic học siêu nghiệm thì từ các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm. Mỗi loại logic này và những phán đoán của chúng đều có một Grundsatz hay một Nguyên tắc tối cao; với phán đoán phân tích, đó là nguyên tắc mâu thuẫn, trong khi với phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, đó là “các điều kiện cho khả thể của kinh nghiệm nói chung cũng đồng thời là những điều kiện cho khả thể của những đối tượng của kinh nghiệm” (PPLTTT, A 158/B 197). Điều này có nghĩa là những điều kiện cho một kinh nghiệm rõ ràng cũng quy định những đối tượng của kinh nghiệm ấy - làm nổi bật một nỗ lực tư biện triết học đặt tồn tại và logic ngang hàng nhau, và nỗ lực này là đặc trưng của toàn bộ triết học phê phán. Heidegger nhận xét: “Ai hiểu được nguyên tắc này là hiểu được cuốn Phê phán lý tính thuẫn túy của Kant” (1935, tr. 183). Thế hệ các trief gia trực tiếp sau Kant, như Reinhold và Fichte, thiên về việc nhấn mạnh cái nguồn gốc diễn dịch và thuần lý của các nguyên tắc hơn là cái nguồn gốc thường nghiệm; những người theo thuyết Kant-mới sau này trong thế kỷ XIX lại nhấn mạnh đến các nguồn gốc thường nghiệm của chúng trong việc thực hành các khoa học tự nhiên và nhân văn.
Trong L, Kant cũng bàn đến các nguyên tắc và mô tả chúng như là “các phán đoán tiên nghiệm chắc chắn trực tiếp” từ đó “các phán đoán khác được chứng minh... nhưng bản thân chúng không phụ thuộc vào bất cứ phán đoán nào khác” (tr. 606). Hon nữa, ông còn phân chia chúng thành hai loại: những nguyên tắc trực quan (hay các tiên đề), và các nguyên tắc suy lý (hay các suy lý), xem mọi nguyên tắc triết học là thuộc về cái sau. Sự phân biệt này trước hết được phát triển trong THTN, một cuốn sách chống lại thuyết Wolff, nhằm làm rõ sự khác nhau giữa các phương pháp chứng minh toán học và chứng minh triết học. Trong triết học thực hành, Kant có bàn thêm về các nguyên tắc, nhưng lại theo một hướng khác; theo đó, các nguyên tắc có vai trò như là nguồn suối của các châm ngôn cho việc quy định ý chí.
Đinh Hồng Phúc dịch