Duy tâm (thuyết) [Đức: Idealismus; Anh: idealism]
Xem thêm: Lịch sử triết học, Tôi (cái), Duy thực (thuyết), Chủ thể, Chủ quan (tính),
Kant coi “châm ngôn của tất cả các nhà duy tâm đích thực, từ trường phái Elea đến Giám mục Berkeley” là: “toàn bộ nhận thức thông qua giác quan và kinh nghiệm chẳng qua chỉ là ảo tưởng hoàn toàn, và chân lý chỉ có trong những ý niệm của giác tính thuần túy và lý tính thuần túy” (SL tr. 374, tr. 113). Ông phân biệt ba xu hướng trong thuyết duy tâm hiện đại: thứ nhất là thuyết duy tâm “giáo điều”, và đôi khi còn gọi là thuyết duy tâm hão huyền, của Berkeley; thứ hai là thuyết duy tâm “hoài nghi”, hay còn gọi là thuyết duy tâm “nghi vấn” của Descartes. Cả hai thuyết này, như là các thuyết duy tâm thường nghiệm, đến lượt chúng đều đối lập với thuyết thứ ba là thuyết duy tâm “siêu nghiệm” hay “hình thức” của chính Kant, mà sau này Kant đổi lại tên gọi của nó là thuyết duy tâm “phê phán”. Ban đầu, trong PPLTTT, Kant rất phấn khởi khi mô tả tác phẩm của mình là “thuyết duy tâm siêu nghiệm”, nhưng với điều kiện là thuyết duy tâm của ông được chấp nhận như là một sự “đảo ngược” của thuyết duy tâm thường nghiệm. Ông nhấn mạnh lập trường này trong SL, sau khi cuốn PPLTTT [Ân bản I] đã gặp phải nhiều sự hiểu sai, ở đó ông vừa bảo vệ “chống lại mọi lời buộc tội về thuyết duy tâm” đồng thời lại vừa xác định triết học của mình là “duy tâm”.
Thuyết duy tâm mà Kant muốn đảo ngược đã nghi ngờ tính hiện thực của các đối tượng bên ngoài: trong trường hợp thuyết duy tâm “hoài nghi” của Descartes thì chỉ có kinh nghiệm nội tâm là không thể nghi ngờ được, còn sự hiện hữu của những đối tượng bên ngoài thì không thể được xác lập; trong khi thuyết duy tâm hão huyền của Berkely xem không gian và các vật trong đó “chỉ là những sự tưởng tượng đon thuần” (PPLTTT B 275; xem thêm tr. 293, tr. 36 và tr. 375, tr. 114). Sự đảo ngược của Kant cốt đưa ra một thuyết duy tâm siêu nghiệm, và thuyết này cũng là thuyết duy thực thường nghiệm, một thuyết chứng minh rằng “ngay bản thân kinh nghiệm bên trong của ta mà Descartes không thể nghi ngờ cũng chỉ có thể có được là nhờ lấy kinh nghiệm [về thế giới] bên ngoài làm tiền đề” (PPLTTT B 275). SL đưa ra một giải thích rạch ròi hon về điều này: “Mọi nhận thức về các sự vật chỉ đon thuần từ giác tính thuần túy hay lý tính thuần túy không gì hon là ảo tưởng hoàn toàn, và chỉ trong kinh nghiệm mới có chân lý” (tr. 374, tr. 113).
Miếng đất trên đó Kant dựa vào để bảo vệ thuyết duy tâm “siêu nghiệm” hay “phê phán” của mình là những mô thức của trực quan và tính chất của cái “Tôi”. Với thuyết duy tâm siêu nghiệm, đó là tiên đề rằng “những đối tượng của kinh nghiệm không bao giờ được mang lại như là những vật tự thân, trái lại chỉ là những gì được mang lại trong kinh nghiệm, và không thể tồn tại bên ngoài [độc lập với] kinh nghiệm” (PPLTTT A 492/B 521). Những đối tượng trong không gian của trực quan bên ngoài và những đối tượng trong thời gian của trực quan bên trong không thể có mặt mà không có những mô thức ấy của trực quan. Nhưng Kant nói thêm: “bản thân không gian, thời gian và đồng thời với hai cái này là tất cả mọi hiện tượng [ở bên trong chúng] đều không phải là những vật tự thân, trái lại, không gì khác hon là những biểu tượng của ta và không thể tồn tại bên ngoài tâm thức ta” (PPLTTT A 492/B 520). Cũng giống như vậy, bản thân những khái niệm thuần túy của giác tính được khởi lên bởi tính tự khởi của cái “Tôi” không phải là các sự vật, mà là những điều kiện khả thể của các sự vật. Cả những mô thức của trực quan lẫn những khái niệm của giác tính đều có nguồn gốc trong chủ thể, và do đó có thể được coi là “duy tâm”, nhưng phưong cách mà chúng tổ chức kinh nghiệm lại có giá trị hiệu lực một cách khách quan. Trong khi ta có thể nêu thành định đề rằng có những cái đối ứng khách quan làm Cổ sở cho những hiện tượng của chủ thể và những đối tượng của kinh nghiệm trong một “chủ thể siêu nghiệm” và một “đối tượng siêu nghiệm”, thì chúng lại hoàn toàn không cần thiết phải có để bảo đảm các yêu sách của thuyết duy tâm siêu nghiệm hay thuyết duy tâm phê phán.
Thuyết duy tâm siêu nghiệm của Kant làm nảy sinh một thế hệ các triết gia duy tâm, mà những đại diện hàng đầu là Fichte và Schelling. Thuyết duy tâm của họ triệt để hóa những yêu sách của Kant, nhấn mạnh hon nữa tính tự khởi của cái Tôi và hạ thấp những phưong diện này của thuyết duy thực thường nghiệm và cảm năng, vốn được bảo lưu trong nghiên cứu của Kant. Kant xem sự phát triển này như là bước lùi, một sự quay trở lại những hình thức của thuyết duy tâm mà ông đã chống đối trong PPLTTT. Mối bất bình của ông được phản ánh trong một bức “thư ngỏ” về Wissenschaftslehre [Học thuyết về khoa học] (1794) của Fichte đề ngày 7 tháng 8 năm 1799, trong đó ông kết án thuyết duy tâm mới là “logic học đơn thuần” và trách mắng việc ra sức “loại bỏ một đối tượng hiện thực ra khỏi logic học” như là một “cố gắng hoài công và do đó là một điều mà chẳng ai từng làm” (TT tr. 253).
Đinh Hồng Phúc dịch