Phân tích pháp [Đức: Analytik; Anh: analytic]
Xem thêm: Phân tích, Biện chứng pháp, Bản thể học, Nguyên tắc, Lý tính,
Tác phẩm của Aristoteles bàn về suy luận chứng minh được biết dưới hai tiêu đề là Phân tích pháp I và Phân tích pháp II, quyển trước phân tích tam đoạn luận, quyển sau phân tích những điều kiện của nhận thức chứng minh. Cùng với quyển Các phạm trù, vê sự diễn giải, Tôpika và Các phản bác ngụy biện, chúng hình thành bộ Organon (Công cụ) gồm tập hợp các khảo luận logic học có ảnh hưởng, nổi tiếng trong truyền thống triết học. Vào thế kỷ thứ VI, chúng được Boethius chú giải kỹ lưỡng và được tái phát hiện ở Bắc Âu trong suốt thế kỷ XIII. Ảnh hưởng của chúng đã bị các nhà nhân văn Phục hưng thách thức lần đầu tiên và sau này là Ramus trong thế kỷ XVI. Ramus đã tìm cách phá vỡ sự bá quyền của bộ Organon bằng cách tổ chức lại Logic học dựa trên sự phân biệt tu từ học giữa “sự phát minh” ra các lập luận và “sự sắp xếp” của các lập luận ấy.
Phân biệt của Ramus vẫn được duy trì cả trong thời hồi sinh Aristoteles ở Đức thế kỷ XVII, XVIII. Lặp lại theo cách nói của Aristoteles, “sự phát minh” được hiểu như “phân tích pháp”, và “sự sắp xếp” như “biện chứng pháp”; cái đầu được cho là để “phát hiện” các yếu tố cơ sở của phán đoán, trong khi cái sau đưa ra sự sử dụng của chúng trong các tam đoạn luận có tính thuyết phục nhưng không nhất thiết có giá trị hiệu lực. Phạm vi của sự lược bỏ của Ramus và Aristoteles được thấy rõ trong việc Kant gán sự phân biệt giữa phân tích pháp và biện chứng pháp cho chính Aristoteles (L, tr. 534). Kant tiếp tục đi theo khung cơ sở này, [xem nó] như cấu trúc cho các nội dung của ba cuốn Phê phán. Nhiệm vụ của các Phân tích pháp phê phán là “thông qua sự phân tích, khám phá ra mọi hành động của lý tính mà chúng ta thực hiện trong sự suy tưởng” (L, tr. 531). Trong cuốn Phê phán I, chúng vạch ra “các khái niệm và các nguyên tắc” của lý tính lý thuyết; trong cuốn Phê phán II là các nguyên tắc của “lý tính thuần túy thực hành”; và trong cuốn Phê phán III là các nguyên tắc của quan năng phán đoán thẩm mỹ và quan năng phán đoán mục đích luận.
Phần “Phân tích pháp siêu nghiệm” của PPLTTT tạo thành Phần I của “Logic học siêu nghiệm”. Nó tháo rời “các công việc có tính hình thức của giác tính và lý tính thành những yếu tố cơ bản của nhận thức” và là một “bộ chuẩn tắc cho phán đoán” hay “hòn đá thử tiêu cực về chân lý” (PPLTTT A 60/ B 85). Nó đi trước Phần II của “Logic học siêu nghiệm”, tức “Biện chứng pháp siêu nghiệm”, là một “logic học về ảo tượng” hay việc tìm cách mở rộng không chính đáng phán đoán vượt khỏi các đối tượng chính đáng của nó. Phân tích pháp được mô tả như “bộ phận của môn Logic học siêu nghiệm trình bày các yếu tố của nhận thức giác tính thuần túy và các nguyên tắc - mà nếu không có chúng thì không có đối tượng nào có thể suy tưởng được (PPLTTT A 62/ B 85), và do đó được phân chia thành một “Phân tích pháp các khái niệm” và một “Phân tích pháp các nguyên tắc”. Cái trước phát hiện các khái niệm cấu thành cái toàn bộ của giác tính thuần túy bằng một sự diễn dịch, trong khi cái sau trình bày các điều kiện hay “các nguyên tắc” mà ta có thể nối kết các khái niệm một cách chính đáng với “cảm năng nói chung”. Với tư cách là sự trình bày “các quy tắc của giác tính cho sự trình bày về những hiện tượng”, phân tích pháp siêu nghiệm giữ vai trò của một “môn bản thể học tự cho là chuyên mang lại những nhận thức tổng hợp tiên nghiệm về những sự vật nói chung” (A 247/ B 303).
Phần “Phân tích pháp vê Lý tính thuẫn túy thực hành” trong cuốn PPLTTH cũng mang lại một “phân tích pháp” hay “quy tắc về chân lý” cho các phán đoán thực hành, nhưng ở đây khung logic không thích hợp với nội dung của triết học luân lý. Tương tự, “các phân tích pháp” về năng lực phán đoán thẩm mỹ và năng lực phán đoán mục đích luận trong PPNLPĐ chứa đựng chất liệu rõ ràng vượt khỏi khung Cổ sở của phân tích pháp và biện chứng pháp. Nói khác đi, các thức nhận của tính hiện đại triết học của Kant không còn được chứa đựng bên trong khung trình bày theo truyền thống nữa. Những người theo sau ông đều cùng nhau phê phán việc ông sử dụng khung Cổ sở này và phản bác nó; và để thế chỗ cho nó, họ phát triển vô số sự trình bày đặc trưng cho triết học sau-Kant. Thực tế, hình thức trình bày riêng biệt trên phưong diện lịch sử dựa vào Phân tích pháp và Biện chứng pháp đã chết cùng với Kant, và vẫn sống sót trong một tình trạng lấp lửng như cái gì đó mà ta phải nắm vững chỉ để hiểu ba cuốn Phê phán của Kant.
Nguyễn Văn Sướng dịch