Nói dối (những sự) [Đức: Lüge; Anh: lies]
Xem thêm: Mệnh lệnh nhất quyết, Thông giao [sự], Ảo tưởng, Châm ngôn, Chân lý,
Trong Verkündigung des nahen Abschlusses eines Traktes zum ewigen Frieden in der Philosophie [Thông báo về sự Ký kết sắp tới một Hiệp ước cho nền Hòa bình vĩnh cửu trong Triết học] (1796) và trong ĐLPĐ, Kant mô tả nói dối là “vết nho trên bản tính con người” (Thông báo... tr. 422, tr. 93; ĐLPĐ tr. 430, tr. 227), và phân biệt nó với sai lầm bởi ý đồ lừa dối. Trong CSSĐ, nói dối là vi phạm “nghĩa vụ trung thực” bắt nguồn từ mệnh lệnh nhất quyết. Nói dối không thể được mong muốn như là một châm ngôn phổ quát; nó chỉ có thể được mong muốn để đạt được một mục đích đặc thù; chỉ có “khái niệm về hành động” của bản thân sự chân thật mới có thể được biến thành một châm ngôn phổ quát. Kant xem những sự nói dối là “đối lập trực tiếp với tính mục đích tự nhiên của năng lực của người phát ngôn trong việc truyền đạt các tư tưởng của mình” và dẫn đến chẳng gì khác hon “là sự từ bỏ nhân cách của người phát ngôn” và địa vị của một con người (ĐLPĐ tr. 430, tr. 226). Ta không ngạc nhiên rằng Kant cho rằng những sự nói dối không thể được biện minh dưới bất kỳ tình huống nào, thậm chí trong tình huống đã trích dẫn trong tựa đề một bài luận năm 1797: “Về quyền được nói dối bị nhầm tưởng là từ tình yêu loài người”. Nghĩa vụ phải trung thực “là một sắc lệnh thiêng liêng, vô điều kiện của lý tính; nó không thể bị hạn chế bởi bất kỳ sự quy ước nào, vì nói dối không chỉ đánh vào Cổ sở của cái gì vốn là tính người mà còn vào toàn bộ trật tự luật pháp”.
Kant phân loại những sự nói dối, trước hết, dựa theo hoặc chúng là “bên trong” hoặc chúng là “bên ngoài”, và rồi sau đó dựa theo ý thức đi kèm theo chúng. Một lời nói dối bên trong như việc che giấu một niềm tin là tưong phản với một lời nói dối bên ngoài, như việc cố ý lừa gạt người khác. Cả hai loại nói dối còn được phân biệt dựa theo hoặc là sự nói dối đưa ra như một sự thật mà người nói dối ý thức được điều ấy không phải là một sự thật, hoặc người nói dối cho là chắc chắn một điều mà họ ý thức là không chắc chắn (Thông báo... 1796, tr. 421, tr. 93). Mặc dù Kant lên án những sự nói dối do “sự phù phiếm hay thậm chí bản tính thiện” và thậm chí những sự nói dối như phưong tiện cho một kết quả đáng giá” (SHHĐL tr. 430, tr. 226), hầu hết những ví dụ của Kant chỉ liên quan tới việc thất hứa. Hai trường hợp chính của việc nói dối được Kant bàn thảo trong CSSĐ có liên quan tới việc đưa ra những hứa hẹn dối lừa. Trong trường hợp đầu, một sự thất hứa được biện minh dựa trên những lý lẽ của sự thận trọng là bị lên án vì nó không thể trở thành một châm ngôn phổ quát của ý chí (CSSĐ, tr. 402, tr. 15); trong trường hợp thứ hai, hứa hẹn dối lừa bị lên án dựa trên lý lẽ rằng nó sẽ đòi hỏi người hứa sử dụng người được hứa như một phưong tiện đối với một mục đích, chứ không như một mục đích tự thân (tr. 430, tr. 37).
Nguyễn Văn Sướng dịch