Có thể phân chia (tính, sự) [Đức: Teilbarkeit; Anh: divisibility]
Xem thêm: Liên tục (tính), Chất liệu, Đơn tử, Không gian, Bản thể,
Cùng với tính liên tục, tính có thể phân chia là một mối quan tâm thường trực trong tư tưởng của Kant. Nó đã có mặt trong ĐTLVL và còn được tiếp tục tìm tòi trong nghịch lý thứ hai của quyển PPLTTT và trong SHHT. Nó tạo nên phần then chốt trong lập luận của ông rằng cho dù vật chất trong không gian có thể phân chia một cách vô hạn, nhưng nó không giống như một chuỗi được cấu thành từ một số lượng vô hạn của những bộ phận đơn giản. Kant trình bày tư tưởng này trong mệnh đề thứ ba của ĐTLVL là “Không gian mà vật thể lấp đầy thì có thể phân chia đến vô hạn, vì thế, không gian không gồm những bộ phận sơ thủy và đơn giản” (SHHT tr. 149, tr. 54). Lập luận của ông ở giai đoạn này là: vì lẽ không gian là một quan hệ, nên sự phân chia vô hạn của một quan hệ sẽ không bao giờ đạt đến những bộ phận đơn giản hay những bản thể. Trong phiên bản phê phán, ở nghịch lý thứ hai của quyển PPLTTT, cả trường hợp theo và chống tính có thể phân chia vô hạn của vật chất đều bị phê phán vì đã quên rằng chính các hiện tượng trong không gian và thời gian đã được phân chia rồi. Vì “những cái đa hợp” là những hiện tượng, nên mọi bộ phận được hình dung ra cũng vậy, bởi lẽ “sự phân chia chỉ đạt xa đến mức kinh nghiệm đạt đến” và ta không thể nào thông qua việc phân chia những hiện tượng để đạt đến “một sự hiện hữu có trước kinh nghiệm” (SL §52c). Vì thế, Kant luôn cho rằng sự lựa chọn mà nghịch lý đưa ra giữa số lượng hữu hạn và số lượng vô hạn của những bộ phận đơn tố là kết quả của một “vấn đề bị ngộ nhận” vốn không thừa nhận rằng đối tượng của sự phân chia là một hiện tượng bị giới hạn trong không gian-thời gian. Trong SHHT, ông khuếch đại điểm này bằng cách lập luận rằng vì không gian trực quan là có thể phân chia vô hạn về mặt toán học, nên vật chất trong không gian cũng vậy; do đó mệnh đề “vật chất là có thể phân chia đến vô hạn, và thực tế là thành những bộ phận, mỗi bộ phận lại là vật chất” (SHHT tr. 503, tr. 49) nhấn mạnh luận điểm cho rằng tính có thể phân chia được lặp đi lặp lại vô hạn mà không đạt đến những bộ phận đơn tố, tối hậu được.
Châu Văn Ninh dịch