Vật hoá (sự) [Đức: Verdinglichung; Anh: Reification]
Theo nghĩa đen là sự biến đổi một thứ có tính chủ quan hay được tạo ra bởi con người thành vật vô tri vô giác. Do đó, trong lý thuyết xã hội và văn hoá, nói chung nhất, sự vật hoá này quy chiếu đến quá trình qua đó xã hội con người (kỳ cùng, đó là sản phẩm của những hành động phần lớn có ý thức và có chủ tâm của người bình thường) đi đến chỗ đối diện với những thành viên của nó như một thế lực ngoại tại, tuồng như tự nhiên và có tính cưỡng chế. Theo nghĩa chính xác hơn hay theo nghĩa chuyên môn hơn, lý thuyết về sự vật hoá được phát triển bởi nhà Marx luận György Lukács (1971) từ lý thuyết của Marx về bái vật luận hàng hoá (commodity fetishism). Marx phân tích quá trình trong chủ nghĩa tư bản/capitalism qua đó các cuộc gặp gỡ của con người khi trao đổi thương mại trên thị trường mang vẻ bề ngoài của các mối quan hệ giữa các sự vật. Về cơ bản, khi quan sát sự trao đổi thị trường, có vẻ như thể các hàng hoá khi được trao đổi thì giao tiếp với nhau. Chính các hàng hoá là thứ dường như tham gia vào đời sống xã hội, chứ không phải những con người thực hiện việc mua và bán. Mối quan hệ giữa con người đi đến chỗ bị chi phối bởi tài sản—trao đổi giá trị và giá cả—vốn có vẻ là điều cố hữu trong các hàng hoá được trao đổi. Điều quan trọng ở đây là sự tương tác của con người đã đi đến chỗ bị chi phối bởi các quy tắc định lượng thuần tuý (nghĩa là, bởi các giá trị tiền bạc của hàng hoá mà họ thương lượng), chứ không phải bởi các ý nghĩa định tính phong phú và các cảm xúc vốn có thể điều tiết hành động giao tiếp của con người. Theo Lukács, sự đảo lộn phức tạp này (qua đó, hàng hoá đảm lấy đời sống xã hội thay cho con người, và số lượng thay thế chất lượng) biểu hiện rõ ràng trong mọi mối quan hệ xã hội (và không chỉ đơn thuần trong các mối quan hệ kinh tế). Trong một xã hội càng ngày càng được hợp lý hoá và càng ngày càng quan liêu, những gì mang tính định tính, duy nhất và mang tính chủ quan trong các mối quan hệ con người bị biến mất, do những sự vật như vậy bị chi phối theo các mối quan tâm định lượng thuần tuý của viên chức quan liêu và người quản lý.
Khái niệm ‘vật hoá’ được nhà tư tưởng Trường phái Frankfurt/Frankfurt School Theodor Adorno tiếp thu. Trong tay ông, nó trở thành sự biểu thị đặc tính của chính phương thức suy tư của ta trong các xã hội tư bản hậu kỳ. Theo Adorno, ta ngày càng gặp khó khăn trong việc không đối xử những người và vật khác theo lối công cụ, định lượng hoá những người hay vật đó, và nỗ lực ấn định tất cả bên trong các hạng mục gọn gàng. Một phần điều này tạo ảnh hưởng cho ý tưởng sơ kỳ của Habermas về giao tiếp bị bóp méo một cách hệ thống/systematically distorted communication (1970a), ở đó ông cho rằng sự méo mó trong ngôn ngữ có thể ngăn cản chúng ta không nêu được các vấn đề hệ trọng và không tranh biện được về chúng. Trong các công trình hậu kỳ, sự vật hoá được liên kết chặt chẽ hơn với ý tưởng về sự thuộc địa hoá thế giới đời sống/colonisation of the lifeworld. Mặc dù Habermas san sẻ một số mối quan tâm của Adorno về vai trò của lý tính công cụ/instrumental reason trong đời sống xã hội, nhưng ông lại bác bỏ quan điểm cực đoan của Adorno. Theo Habermas, lý tính công cụ có thể có vai trò quan trọng và xây dựng trong sự tổ chức xã hội. Các xã hội phức tạp được tích hợp hay hội nhập một cách có hệ thống/systematically integrated, nghĩa là chúng dựa vào những người, trong các hoàn cảnh giới hạn nhất định, vốn có liên hệ với nhau theo các cách thức được đơn giản hoá cao độ. Do vậy, chẳng hạn, ở chợ, tôi chỉ cần liên hệ với người chủ quầy theo giá cả và hàng hoá của anh/chị ta. Tôi xem anh/chị ta chỉ đơn thuần như phương tiện cho mục đích mua những gì tôi cần. Sự đơn giản hoá này có thể cho phép các cấu trúc xã hội có độ phức tạp cao được tổ chức liền lạc mà không cần tốn nhiều nỗ lực. Luận điểm của Habermas là nếu chúng ta cố gắng duy trì những cấu trúc như thế thông qua hành động giao tiếp, trong đó chúng ta cố gắng đi đến một thoả thuận phong phú và có ý nghĩa về sự trao đổi với người chủ quầy, thì nó sẽ làm chúng ta choáng ngộp. Mọi trao đổi sẽ phải bắt đầu từ vạch xuất phát, đàm phán về bản chất của sự trao đổi công bằng, ý nghĩa của tiền bạc, và có lẽ còn thảo luận tại sao tôi muốn mua hàng hoá đó và tại sao anh/chị ta muốn bán chúng.
Do đó, bản thân sự công cụ hoá và sự định lượng hoá các mối quan hệ xã hội không phải là điều tồi tệ. Nó trở thành vấn đề, và trở thành thứ gây nên sự vật hoá, khi các cấu trúc hay các hệ thống/systems xã hội phức hợp mà thuyết công cụ duy trì bắt đầu có được cuộc sống riêng của nó. Các hệ thống này sẽ có phương thức nội tại của riêng chúng để vận hành và phát triển, và theo cách ấy chúng có thể trở nên cứng nhắc và thiếu phản ứng đối với các nhu cầu đích thực của con người. Càng lúc, trong những gì Haberams gọi tên là sự thuộc địa hoá thế giới đời sống, các hành động hàng ngày của chúng ta càng trở nên bị cưỡng chế bởi các hệ thống kinh tế và quan liêu. Tôi làm điều gì đó, không phải vì tôi cần hay thậm chí vì chúng có ý nghĩa với tôi. Đúng ra, tôi làm chúng vì hệ thống yêu cầu tôi. Chủ yếu, vì hệ thống được tổ chức một cách công cụ và bằng hiệu quả định lượng, nên càng ngày càng khó thảo luận và đánh giá nó bằng ngôn ngữ thông thường. Ta có thể đánh giá một hệ thống theo tính hiệu quả công cụ của nó, nhưng một khi ta bắt đầu nói về lý do tại sao nó tồn tại hay mục đích mà nó phục vụ, hay ngay cả về tính nhân bản mà nó dùng trong việc đối đãi với khách hàng, thì ta sẽ gặp nguy cơ sử dụng một ngôn ngữ vốn đơn giản là không thể hiểu được bên trong hệ thống đó. Vì thế, sự vật hoá có thể được xem như là quá trình mà qua đó hệ thống trở thành thứ kháng lại các hình thức thách thức có tính phê phán vốn là đặc điểm của lý tính giao tiếp/communicative reason (xem Habermas, 1987, tr. 367–373).
Y