Vương quốc của những mục đích [Đức: Reich der Zwecke; Anh: kingdom of ends]
Xem thêm: Loại suy, Như thể, Mệnh lệnh nhất quyết, Mục đích, Tự do, Thế giới khả niệm, Châm ngôn,
Vương quốc của những mục đích được đưa vào trong CSSĐ như là một hệ quả của khái niệm “về mọi hữu thể có lý tính phải tự xem mình là kẻ ban bố quy luật phổ quát bằng tất cả các châm ngôn của ý chí của mình” (CSSĐ, tr. 433, tr. 39). Gọi là “vương quốc” vì ta hiểu nó là “một sự thống nhất có hệ thống của mọi hữu thể có lý tính khác nhau thông qua những quy luật chung”, trong đó mỗi một hữu thể xác định những mục đích dựa theo “giá trị hiệu lực phổ quát” (sđd.). Là một thành viên của một vương quốc như thế đòi hỏi các hữu thể có lý tính phải “đề ra những quy luật phổ quát trong vương quốc ấy đồng thời bản thân họ cũng phải phục tùng các quy luật ấy”, hoặc nếu họ là chủ nhân ông của vương quốc ấy thì họ phải ban bố quy luật để không bị lệ thuộc (CSSĐ tr. 233, tr. 40). Vương quốc của những mục đích là một “thế giới lý tưởng” hay “thế giới khả niệm” chỉ có thể được sử dụng một cách điều hành, như là một nguyên tắc của sự “như-thể” nhằm kiểm tra các châm ngôn thực hành.
Tính luân lý, Kant nói, chính là “mối quan hệ giữa mọi hành động với việc đề ra quy luật, qua đó chỉ duy nhất một vương quốc của những mục đích là khả hữu”, hay nguyên tắc để hành động chỉ dựa trên những châm ngôn nào cũng đồng thời có thể là quy luật phổ quát mà ý chí có thể xem mình như là kẻ ban bố quy luật (CSSĐ tr. 434, tr. 40). Điều này về sau được mô tả như là hữu thể có lý tính hành động “như thể họ luôn luôn là một thành viên ban bố quy luật trong vương quốc phổ quát của những mục đích bằng châm ngôn của mình” (CSSĐ tr. 438, tr. 43). Trong PPNLPĐ, vương quốc của những mục đích giữ vai trò là một sự nối kết quan trọng trong luận cứ thần học-đạo đức chứng minh sự tồn tại của Thượng đế. Thượng đế là “kẻ ban bố quy luật tối cao trong vương quốc luân lý của những mục đích” (PPNLPĐ §86) và từ điều này ta có thể rút ra những thuộc tính siêu nghiệm như: toàn trí, toàn năng, tính vĩnh cửu và tính phổ hiện.
Châu Văn Ninh dịch