Dự đoán của tri giác (những) [Đức: Antizipationen der Wahrnehmung; Anh: anticipations of perception]
Xem thêm: Loại suy của kinh nghiệm (những); Tiên đề của trực quan (các), Định đề của Tư duy thường nghiệm (các), Nguyên tắc (các), Thực tạỉ (tính),
Các dự đoán của tri giác là các nguyên tắc tưong ứng với các phạm trù về chất. Cùng với các tiên đề của trực quan tưong ứng với các phạm trù về lượng, chúng tạo thành hai nhóm “các nguyên tắc toán học” được bổ sung bằng “các nguyên tắc động lực học” của các loại suy của kinh nghiệm (tưong ứng với các phạm trù về tưong quan) và các định đề của tư duy thường nghiệm (tương ứng với các phạm trù về tình thái). Nhìn chung, các nguyên tắc ấy xác định việc các hiện tượng sẽ xuất hiện ra như thế nào cho trực quan cảm tính của một hữu thể hữu hạn không có năng lực trực quan trực tiếp mang tính phạm trù (categorical) [tức con người chúng ta]. Các dự đoán của tri giác xác định chất của các hiện tượng cho một hữu thể như thế, tức là xác định Thực tại, sự Phủ định, và sự Hạn định của các hiện tượng trong không gian và thời gian.
Kant khẳng định rằng chất của các hiện tượng đòi hỏi chúng phải có một “lượng cường độ”: “Trong mọi hiện tượng, cái thực tồn (das Reale) là đối tượng của cảm giác, đều có một lượng cường độ, tức là một độ (Grad)” (PPTTTT B 207). Trong ấn bản A của PPTTTT, Kant xác định rõ nguyên tắc này như “đưa ra dự đoán về mọi hiện tượng” và mô tả “cái thực tồn” như cái gì tương ứng với cảm giác về đối tượng. Cả hai ấn bản đều nhất trí rằng cái thực tồn tương ứng với đối tượng của giác quan sở hữu một lượng cường độ: đối với chúng ta, việc tri giác các hiện tượng là không có thể có được nếu chúng không có một lượng cường độ.
Kant sử dụng từ “dự đoán” để dịch thuật ngữ prolepsis của Epicurrus, từ này biểu thị một sự quan niệm-trước cho phép có sự tri giác. Kant xem giác tính như quan năng “đưa ra (dự đoán) mệnh đề tổng hợp như thế về độ của mọi thực tại trong hiện tượng” (PPTTTT A 175/ B 217), phân biệt giữa các chất tùy thể của một hành vi thường nghiệm của cảm giác - “màu sắc, mùi vị, v.v” - với sự dự đoán rằng mỗi cảm giác sẽ có một độ của thực tại. Đây là chất duy nhất có thể được giả định một cách tiên nghiệm, và là cơ sở cho việc xác định bất kỳ chất thường nghiệm nào khác về sau. Kant minh họa điểm này bằng các ví dụ về các chất thường nghiệm như màu sắc, sức nóng, trọng lượng (A 169/ B 211). Một điều kiện cho việc tri giác mỗi một chất này là nó phải có một độ của thực tại, tuy nhiên độ này có thể giảm dần đến vô tận. Trong trường hợp màu sắc, khi màu đỏ dần dần tiến đến điểm zero của thực tại thì nó vẫn là màu đỏ; nhưng khi nó đạt được độ zero của thực tại thì nó thôi không còn có chất màu đỏ, vì chất này là vô nghĩa nếu nó không thể được dự báo là có một độ của thực tại nào đó.
Vậy là, cảm giác có một độ của thực tại, và như thế nó có đại lượng. Nhưng đây không phải là đại lượng trương độ hay đại lượng quảng tính (extensive magnitude) của các tiên đề của trực quan được sinh ra từ “sự tổng hợp tiếp diễn” của trí tưởng tượng trong không gian và thời gian, mà là một sự tổng hợp trong khoảnh khắc “được phát sinh trong hành vi của sự lĩnh hội” (PLLTTT A 167/ B 209). Nó dự đoán cảm giác và sự tổng hợp trực quan, không gian-thời gian của nó.
Không có sự dự đoán này, hẳn có thể ấp ủ khả thể cho việc tri giác các đối tượng không có thực, tức những tri giác mà Kant xem là không thể có được đối với một hữu thể hữu hạn như con người. Thực vậy, với Kant, việc tri giác sự khiếm diện của thực tại bằng trực quan cảm tính là một mâu thuẫn về thuật ngữ (contradiction in terms). Một đối tượng của trực quan cảm tính phải có một độ của thực tại, vì nếu không như thế, nó không thể là một đối tượng của trực quan cảm tính. Nói cách khác, và phù hợp với “các nguyên tắc chung” của bốn nhóm các nguyên tắc, điều kiện cho kinh nghiệm cũng là điêu kiện cho đối tượng của kinh nghiệm.
Những sự dự đoán này có thể được lý giải như nguyên tắc nền tảng nhất của các nguyên tắc. Chúng vẽ biểu đồ của “tính được mang lại” của cái hiện tồn thậm chí là trước cả các mô thức của trực quan, vì theo cách nói của cuốn SL, bên dưới những sự dự đoán này “cảm giác không phải là một trực quan chứa dựng không gian hoặc thời gian, mặc dù nó thiết định [setzt] đối tượng này tương ứng với cảm giác trong cả không gian và thời gian” (SL §24). Chính Kant đã thấy rằng ý tưởng về một sự thiết định có trước-trực quan là gây rối rắm: nó “làm cho nhà nghiên cứu, tuy đã bắt đầu quen và quan tâm hơn đến triết học siêu nghiệm, không khỏi có ít nhiều kinh ngạc và thắc mắc” (PPLTTT A 175/ B 217). Tuy nhiên, sự phân tích về việc thiết định này đã được Fichte theo đuổi một cách có hệ thống, ông đã tiến hành xác lập khoa học về nhận thức dựa trên một hành vi tiên khởi của việc thiết định. Nó cũng được trường phái hiện tượng học xem xét, trường phái này, thông qua sự quy giản bản chất (eidetic reduction), đã tìm cách mô tả tính được mang lại của các hiện tượng (xem Husserl, 1913, và sự lý giải hiện tượng học về các dự đoán nơi Heidegger, 1935, tr. 206-224).
Mai Sơn dịch