Tha hóa và Xuất nhượng/Ngoại tại hóa (sự) [Đức: Entfremdung und Entäußerung; Anh: alienation and estrangement]
Hegel sử dụng hai từ cho vấn đề này:
(1) Entfremdung tương ứng với động từ entfremden (“làm cho trở thành xa lạ”), từ chữ fremd (“xa lạ”). Trong tiếng Đức trung đại (tức từ thế kỷ XII đến thế kỷ XV), từ này nói đến việc lấy đi hay đánh cắp tài sản của một ai đó và cũng để biểu thị sự “loạn trí”, nhất là sự hôn mê hay bất tỉnh. Nhưng về sau chữ này trước hết biểu thị sự xa lạ của con người đối với nhau.
(2) Entäußerung tương ứng với động từ entdussern: “làm cho trở thành BÊN NGOÀI hay thành ngoại tại (äusser)” và có nghĩa: “từ bỏ” hay “xuất nhượng”. Hegel dùng chữ Entäußerung, chứ không dùng chữ Entfremdung để chỉ sự xuất nhượng, tức sự tự nguyện từ bỏ tài sản riêng (THPQ, §§65 và tiếp).
Các từ khác trong cùng lĩnh vực này là: Entzweiung (từ zwei: “hai”) có nghĩa “sự phân đôi”, “sự mất thống nhất”; Zerrissenheit (từ động từ zerreissen: “kéo đứt”, “phân hóa”, “đứt đoạn”) có nghĩa: “sự giằng xé”, “phân hóa”; Zwiespalt (cũng từ “zwei”: “hai”) có nghĩa: “xung đột”, “bất đồng”; Diremtion và Trennung có nghĩa “phân ly”, “tách rời” (từ động từ “trennen”: “tách rời”, “phân ly”).
Với Hegel, tha hóa là giai đoạn của sự phân hóa thoát thai từ một sự thống nhất hay một nhất thể đơn giản, và sau đó được hòa giải trong một sự thống nhất hay nhất thể được dị biệt hóa, cao hơn. Quan niệm của ông về sự tha hóa, tuy có sự độc đáo riêng biệt, nhưng cũng thừa hưởng nhiều từ các nhà tư tưởng tiền bối: thừa hưởng tư tưởng của Rousseau rằng: khế ước xã hội đòi hỏi mỗi người phải phục tùng cộng đồng; thừa hưởng gợi ý của Fichte trong PPMK rằng: “Ý niệm về Thượng Đế như một nhà ban bố quy luật, thông qua quy luật luân lý trong ta, dựa trên một sự Entäußerung của những gì vốn là của ta, dựa trên sự chuyển dịch cái chủ quan thành một tồn tại ở bên ngoài ta; và sự Entäußerung này là nguyên tắc thực sự của tôn giáo, trong chừng mực tôn giáo được sử dụng để quy định ý chí”, và yêu sách của Fichte trong HTKH rằng cái TÔI hay CHỦ THỂ sản sinh ra thế giới hiện tượng bằng một tiến trình của Entäußerung, của sự tự- xuất nhượng hay tự-ngoại tại hóa; thừa hưởng luận cứ của Schiller trong GDCN rằng sự tiến bộ của văn hóa đã phá vỡ sự hài hòa nguyên thủy của Hy Tạp cổ đại trong quan hệ với bản tính tự nhiên của mình, với những người khác, với xã hội và với giới tự nhiên - một sự đánh mất sự thống nhất mà theo quan điểm của Schiller (chứ không phải của Hegel) chỉ có thể được cứu chữa bằng nghệ thuật; thừa hưởng sự minh họa của Diderot, trong “Cháu của ông Rameau” (bản dịch của Goethe xuất hiện năm 1805) [bản tiếng Việt của Phùng Văn Tửu, NXB Tri thức, 2006] về một tên lưu manh biết sử dụng vô vàn mánh khóe để tìm kiếm quyền lực và sự giàu có, và trong HTHTT, VI. B, Hegel xem đó là một hệ hình của “ý thức bị giằng xé” và của “tinh thần tự tha hóa” (sich entfremdeter Geist).
Hegel không sử dụng từ Entfremdung trước khi viết HTHTT, nhưng một số tác phẩm thời trẻ của ông đã dự báo các quan điểm của ông về sau này: trong khi viết về “Tình yêu” (trong THTT), “Sự SỐNG” (giống như “Tinh thần” trong HTHTT) trải qua tiến trình của sự thống nhất sơ khai, sự đối lập và sự tái hợp nhất tối hậu. Tình yêu khôi phục sự thống nhất giữa các cá nhân, cũng như giữa cá nhân và thế giới, nhưng không hoàn toàn thủ tiêu cá nhân. Trong TTKT, giống như Schiller, Hegel xem sự bất đồng ở bên trong ta giữa trí tuệ và xúc cảm là một giai đoạn tất yếu và cần thiết của sự phát triển tinh thần, nhưng lại cho rằng sự tái hợp nhất này chỉ có thể đạt được bằng tôn giáo, hiểu như là “sự phản tư đã được hợp nhất với tình yêu”. Trong “Đoản vãn vể Hệ thống” (trong THTT), tôn giáo cho phép con người siêu việt khỏi cuộc sống hữu hạn để hợp nhất bản thân mình với “sự sống vô hạn” hay với “Tinh thần” vốn tràn ngập thế giới.
Nhưng, trong KBFS, Hegel lại chủ trương rằng chính triết học, với tư cách là LÝ TÍNH (tương phản với GIÁC TÍNH) chứ không phải tôn giáo (hay NGHỆ THUẬT) mới có thể hòa giải sự Entzweiung [sự phân đôi/sự mất thống nhất] đã diễn ra trong sự phát triển của văn hóa. Một sự Entzweiung như thế - “sự xuất hiện của ý thức ra khỏi cái toàn thể, sự phân đôi thành tồn tại và không-tồn tại, thành khái niệm và tồn tại, thành sự hữu hạn và vô hạn” - là một trong hai “tiền- giả định” của triết học, còn “tiền-giả định” kia là “bản thân cái tuyệt đối... là mục tiêu cần được tìm kiếm, nhưng thực ra đã hiện diện”: “nhiệm vụ của triết học là phải hợp nhất các tiền-giả định này để thiết lập tồn tại ở trong cái không-tồn tại - như là sự trở thành; thiết lập sự phân đôi ở trong cái tuyệt đối - như là hiện tượng; thiết lập cái hữu hạn trong cái vô hạn - như là sự sống”. Một phương diện của việc vượt bỏ sự tha hóa là sự hòa giải (Versöhnung) với HIỆN THựC trong HPĐ.
HTHTT bao hàm hai phác họa đầy ấn tượng về sự tha hóa. Hình ảnh thứ nhất gần giống với quan niệm sau này của Feuerbach về “Ý THỨC bất hạnh, bị phân đôi ở bên trong nội tâm (entzweite)” của Kitô giáo sơ kỳ và trung đại; ý thức ấy xem chính mình như là cái biến dịch và không bản chất, vì thế phóng chiếu phương diện phổ biến, bản chất và bất biến của mình vào cho một Hữu thể siêu việt và đi tìm sự hợp nhất với Hữu thể ấy (HTHTT, IV. B) (TTKT đã mô tả tôn giáo của Abraham theo cách tương tự). Hình ảnh thứ hai diễn ra trong HTHTT, VI, nhất là B.I, trong đó ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC chưa bị tha hóa của Hy Lạp cổ đại đã suy tàn, trước hết thành thuyết nguyên tử của những cá nhân có quyền hạn ngang nhau trong Đế quốc La Mã, rồi thành “thế giới của Tinh thần tự-tha hóa (sich entfremdete)”. Thế giới này (được Hegel dõi theo từ sự sụp đổ của La Mã cho đến Cách mạng Pháp) được đánh dấu bởi sự phân ly: giữa thế giới hiện thực và một thế giới bên kia được ĐỨC TIN (Glaube/Ảnh: Faith) hình dung như là BẢN CHẤT của thế giới hiện thực; giữa cá nhân Tự-Ý THỨC hay Tự GIÁC và BẢN THỂ xã hội; giữa quyền lực nhà nước và sự giàu có. Mỗi yếu tố trong các yếu tố này vừa xa lạ với nhau, vừa phụ thuộc vào nhau. Sự tương tác giữa chúng diễn ra trong hình thức của ĐÀO LUYỆN VĂN HÓA (Bildung/culture): một nhân thân đánh mất hay tha hóa cái tự ngã đơn thuần tự nhiên của mình và chỉ có được giá trị của mình tỉ lệ thuận với sự đào luyện văn hóa đã sở đắc được.
R. Schacht, trong Alienation (1971, tr. 37 và tiếp) cho rằng trong HTHTT, VI. I, Hegel sử dung từ Entfremdung cho hai hiện tượng khác biệt nhau: (1) sự kiện rằng bản thể xã hội là xa lạ với cá nhân; (2) sự tha hóa của cá nhân hay sự phục tùng của tự ngã đặc thù của cá nhân và sự đồng nhất hóa với bản thể phổ biến [xã hội]. (Theo Schacht, chính Entfremdung theo nghĩa (2) chứ không phải theo nghĩa (1) mới có thể hoán vị với chữ Entäußerung. Schacht cũng cho rằng sự tha hóa (2) của cá nhân - bằng cách sở đắc sự đào luyện văn hóa -, theo Hegel, là giải pháp cho sự tha hóa (1). Nhưng, lập luận này của Schacht là không đúng. Sự đào luyện văn hóa trở thành sự sở hữu của cá nhân “thấp hèn”, bị tha hóa (như nơi người cháu của ông Rameau) không khác gì nơi bất kỳ cá nhân nào: sự đào luyện văn hóa là môi trường trong đó sự tha hóa (1) diễn ra, chứ không phải giải pháp cho nó. Sự tha hóa (2) không thể giải quyết sự tha hóa (1), bởi hai lý do:
1. Sự tha hóa (2) là sự đánh mất thực sự sự thuần nhất và sự độc lập cá nhân, chứ không đơn giản là một sự phục hồi bản chất phổ biến hay tự ngã hiện thực của cá nhân: sự tha hóa (2) chỉ có nhờ vào sự tha hóa
(1) , và cá nhân bị tha hóa (2) là một người xa lạ với chính mình. Hegel tin rằng sự đào luyện văn hóa nói chung đòi hỏi sự tự-tha hóa theo một nghĩa mạnh mẽ, chẳng hạn khi ta làm chủ các ngoại ngữ xa lạ, chứ không đơn giản làm chủ tiếng mẹ đẻ của chính mình.
2. Ở cấp độ này, bản thể xã hội chưa thể hiện một hệ thống ổn định, chặt chẽ của những định chế hay giá trị để cá nhân có thể đồng nhất hóa: nếu cá nhân hiến mình cho NHÀ NƯỚC trong khi loại trừ sự giàu có, thì quyền lực nhà nước lại chuyển hóa, nghĩa là tự- tha hóa (2) thành một cá nhân (ông vua chuyên chế) và đồng thời thành một kẻ ban phát sự giàu có - do đó “chủ nghĩa anh hùng của sự phục vụ” chuyển hóa thành “chủ nghĩa anh hùng của sự nịnh bợ”; sự giàu có và quyền lực nhà nước có thể lần lượt được xem như là tốt hoặc xấu tùy vào việc người ta xem nhà nước như là kẻ duy trì cái thiện phổ biến hoặc như là thế lực xa lạ và áp bức, và xem sự giàu có phục vụ cho sự khoái lạc nhất thời của riêng mình hay như là phúc lợi cho tất cả.
Như thế, trong khi Hegel, kỳ cùng, hy vọng vào một sự hòa giải giữa cá nhân với bản thể xã hội, giúp cho sự thuần nhất của cá nhân không bị tổn hại, ông không tin rằng điều này có thể thực hiện được trong xã hội bị tha hóa của vua Louis thứ XIV của nước Pháp, và thiện cảm bộc phát của ông dành cho nhân vật Rameau cực kỳ bị tha hóa này là vì Rameau nhìn xuyên thấu và bắt chước một cách trổ tráo những giá trị và định chế đã bị tha hóa và méo mó của xã hội của anh ta. Giải pháp cho sự tha hóa (1) này, theo Hegel, không phải là một sự đồng nhất hóa trực tiếp với bản thể xã hội, mà là việc tăng cường sự tha hóa - tức sự khai minh và cách mạng.
“Sự tha hóa” cũng xuất hiện trong nhiều văn cảnh khác nữa. Trong Lời Tựa và trong đoạn kết của HTHTT, Hegel nói về sự Entfremdung của Thượng Đế và Entäusserung của Tinh thần thành giới Tự NHIÊN và về việc vượt bỏ sự tha hóa và sự ngoại tại hóa này trong LỊCH sử. Trong HTHTT, VI, Hegel xem NGÔN NGỮ, nhất là việc sử dụng những từ PHỔ BIỂN như “cái Tôi”, chính là việc Entfremdung hay Entäusserung của cái ĐẶC THÙ (tương phản với cái phổ biến) thành một cấp độ lớn hơn so với HÀNH ĐỘNG hay “sự biểu lộ nhân tướng học”. Trong Lời Tựa, ông cho rằng KINH NGHIỆM đòi hỏi đối tượng phải tha hóa chính mình và rồi quay trở về trong chính mình từ sự tha hóa ấy (Entfremdung): chẳng hạn chúng ta chỉ có thể lĩnh hội hiện tượng bằng cách tiến hành những sự trừu tượng hóa thoạt đầu tỏ ra xa lạ với bản thân hiện tượng.
Sự tha hóa được minh họa sống động nhất trong HTHTT, nhưng cả từ ngữ lẫn ý niệm về việc này trở nên ngày càng quan trọng trong các tác phẩm muộn hơn của Hegel. Thế nhưng tầm quan trọng của chúng, và thậm chí sự có mặt của chúng lại ít được các chuyên gia về Hegel lưu ý cho tới khi xuất hiện những nghiên cứu của Marx về Entfremdung và Entäusserung trong “Bản thảo kinh tẽ-triẽt học năm 1844”, được công bố lần đầu tiên bằng tiếng Đức năm 1932, và bản dịch tiếng Anh năm 1959.
Bùi Văn Nam Sơn dịch