Xác tín (sự)/Chắc chắn (sự) [Latinh: certitudo; Đức: Gewissheit; Anh: certainty]
Xem thêm: Lòng tin, Cho-là-đúng (việc/sự), Tri thức,
Vấn đề về sự xác tín là thứ yếu trong triết học thời trung đại - Aquinas định nghĩa sự xác tín là tri thức không chệch ra khỏi cái được tìm thấy trong sự vật. Sự xác tín được đảm bảo về mặt bản thể học thông qua một “nguyên nhân” của nhận thức trong sự vật tạo ra một kết quả trong tâm trí, với trật tự của các sự vật và tâm trí cân xứng theo tỉ lệ với nhau một cách khách quan. Các triết gia hiện đại thời kỳ đầu không mấy chắc chắn về sự xác tín, như được nhận thấy rõ từ nỗ lực của Descartes trong Luận văn về phương pháp (1637) nhằm xác lập sự xác tín của các tri giác và phán đoán khi đối diện với sự hoài nghi. Với luận văn này, Descartes đã khoi mào mối bận tâm đặc biệt của thời hiện đại về nhận thức luận; với ông, cũng như với các triết gia sau này - dù khác nhau đến mấy như giữa Malebranche với Spinoza, bản thân chân lý được định nghĩa như là sự xác tín, hay, nói như Spinoza: “Cái loại bỏ mọi sự hoài nghi” (Spinoza, 1985, tr. 313).
Chủ đề về sự xác tín có một vai trò đặc biệt trong triết học Kant; nó không phải là bộ phận của vấn đề chung về sự hoài nghi, mở rộng từ bằng chứng của các giác quan cho đến bằng chứng của lý tính, mà đặc biệt liên quan đến giữ trị hiệu lực chủ quan của các phán đoán. Những khởi đầu cho lập trường này được nhận thấy rõ trong sự phản tư thứ ba của THTN, “Vê bản tính của sự xác tín triết học”, ở đó Kant phân biệt sự xác tín triết học với sự xác tín toán học. Cả hai môn này đều đưa ra các phán đoán dưới sự điều chỉnh của “quy luật đồng nhất và quy luật mâu thuẫn”, nhưng với Kant, các quy luật này là những điều kiện tiêu cực của sự xác tín. Chúng là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ của sự xác tín, vì trong khi một khái niệm hay một phán đoán - không tuân theo những điều kiện ấy - rõ ràng là thiếu sự chắc chắn, thì bản thân chúng không thể giữ vai trò là những nguồn suối đầy đủ cho nó. Để chắc chắn, các khái niệm toán học, trong khi tuân theo quy luật đồng nhất và quy luật mâu thuẫn, phải có thêm sự xác tín trực quan, còn các khái niệm triết học phải có thêm sự xác tín suy lý. Với yêu sách này, Kant tách mình ra khỏi các nghiên cứu duy lý về sự xác tín, và sau đó bắt đầu tìm kiếm những tiêu chuẩn cho sự xác tín vượt ra khỏi sự thiếu vắng đon thuần của sự hoài nghi.
Trong triết học phê phán, vấn đề sự xác tín bị hạn chế vào “giá trị hiệu lực chủ quan của một phán đoán” hay việc “cho-là-đúng” về mặt chủ quan của ta (PPLTTT A 822/ B 850, xem thêm L tr. 570 và tiếp). Vì lý do này, sự bàn luận phê phán về sự xác tín chủ yếu được bó gọn trong“Học thuyết siêu nghiệm vê phương pháp” của PPLTTT. Các phán đoán được cho là đầy đủ về mặt chủ quan và/hoặc về mặt khách quan: “Sự đầy đủ về chủ quan chính là sự biết chắc (Überzeugung) (nhưng chỉ cho tôi thôi) còn sự đầy đủ về khách quan mới là sự xác tín (Gewissheit) (cho bất cứ ai) (PPLTTT A 822/ B 850). Một phán đoán của tư kiến thì không đầy đủ về mặt chủ quan lẫn về mặt khách quan; một phán đoán được tin là đúng thì đầy đủ về mặt chủ quan; một phán đoán được biết là đúng thì đầy đủ cả hai mặt: chủ quan và khách quan.
Trong triết học phê phán, sự xác tín có tầm quan trọng trong việc xác lập những giới hạn của những gì ta có thể biết được, nó cốt ở chỗ lý tính “hoặc đưa ra quyết định về các đối tượng của các câu hỏi của siêu hình học, hoặc về năng lực và sự bất lực của lý tính trong việc phán đoán về các đối tượng ấy” (PPLTTT B 22). Tuy nhiên, sự chắc chắn không giữ vai trò là một tiêu chuẩn cho chân lý, mà chỉ là một ghi dấu cho kinh nghiệm chủ quan về chân lý của một phán đoán. Những nguồn suối của bản thân chân lý nằm ở đâu đó chứ không phải là trong sự xác tín chủ quan. Khi chế ước tầm quan trọng của sự xác tín theo cách thức này, Kant đi chệch khá xa khỏi truyền thống nhận thức luận Descartes. Tuy vậy, điều đó không ngăn cản được nhiều nhà bình luận cố gắng đưa ông về với truyền thống này, và lý giải phần Phân tích pháp siêu nghiệm của PPLTTT như là sự tìm kiếm chân lý qua sự xác tín.
Cù Ngọc Phương dịch