Giải phóng (sự)/Khai phóng (sự) [Đức: Emanzipation; Anh: Emancipation]
Một trong ba đòi hỏi cơ bản phải được đáp ứng khi con người sống trong một xã hội thịnh vượng và công bằng. Trong lý thuyết về những lợi ích hay quan tâm về nhận thức/cognitive interests, Habermas cho rằng con người không những cần có khả năng hiểu và biến đổi môi trường vật chất của họ thông qua khoa học và công nghệ, có khả năng giao tiếp với nhau để tổ chức tương tác xã hội trong các phạm vi lớn nhỏ, mà còn phải được thoát khỏi áp bức và bóc lột, và vì vậy được giải phóng (Habermas, 1971a).
Trong thời kỳ đầu của công trình, Habermas cho rằng, một mình sự giao tiếp không đủ để đảm bảo một xã hội công bằng và không có bóc lột. Ông cho rằng, nguồn gốc của sự bóc lột có thể bị che giấu bởi sự bóp méo ý hệ thấm nhuần vào ngôn ngữ mà ta sử dụng, và rất nhiều cách trong đó ta suy nghĩ và phản tư về thế giới xã hội. Điều quan trọng, xã hội đối mặt với các thành viên của nó (và vì thế con người sáng tạo và duy trì nó thông qua những hoạt động và tương tác thường ngày của mình) như là cái gì tự nhiên, hay ít nhất như là cái gì đó được chi phối bởi quy luật tự nhiên. Vì thế, cần phải có khoa học khai phóng (hay lý thuyết phê phán/critical theory), bên cạnh các ngành khoa học tự nhiên và văn hoá, vốn có nhiệm vụ khám phá sự tự ngộ nhận của cá nhân và tập thể, nhìn xuyên thấu vào cái ‘bản tính tự nhiên thứ hai’ (second nature) này.
Habermas tìm thấy những hình mẫu cho khoa học khai phóng như thế ở tâm phân học/psychoanalysis và chủ nghĩa Marx. Cả hai đều cố gắng đào sâu vào bên dưới những hiện tượng bề ngoài. Nhà tâm phân học phải đối diện với người bệnh vốn có vẻ chỉ bị ảnh hưởng bởi những triệu chứng có nguyên nhân vật lý. Nhiệm vụ của nhà tâm phân học là phải phơi bày những trải nghiệm cá nhân về sang chấn vốn là nguồn gốc thực sự của các triệu chứng, và đưa trải nghiệm đó về lại ký ức có ý thức của người bệnh, dò theo các triệu chứng ở dạng các phản ứng vô thức nhưng không kém phần sáng tạo của người bệnh để lần tới sang chấn đó, và theo cách ấy, khôi phục lại khả năng tự kiểm soát bản thân của bệnh nhân. Tương tự, nhiệm vụ của chủ nghĩa Marx là phải phơi bày ảo tưởng về những gì được xem là tự nhiên và không thể tránh khỏi vốn che giấu những tiến trình xã hội phục vụ việc duy trì tình trạng bóc lột kinh tế và thống trị chính trị. Một lần nữa, sự vạch trần như thế sẽ khôi phục lại sự tự nhận thức và sự tự trị cho xã hội như một toàn thể, cho phép xã hội làm chủ số phận của chính mình.
Ý tưởng về lý thuyết phê phán được hiệu chỉnh lại trong tác phẩm hậu kỳ của Habermas, và khái niệm về sự giải phóng bị loại bỏ, đặc biệt khi mô hình tâm phân học cổ vũ những khát vọng không thực tế về một xã hội hoàn toàn trong suốt và đồng thuận, Habermas xem nó là không thực tế đối với bất kỳ tổ chức xã hội phức tạp và có quy mô lớn nào.