Nguyên tắc của lý tính thực hành (các) [Đức: Grundsätze der praktischen Vernunft; Anh: principles of practical reason]
Xem thêm: Mệnh lệnh nhất quyết, Tự do, Thiện (cái), Mệnh lệnh, Châm ngôn, Ý chí,
Các nguyên tắc của lý tính thực hành là những mệnh đề diễn tả một sự quy định phổ biến của ý chí. Chúng là những châm ngôn chủ quan khi có giá trị cho ý chí của con người, nhưng lại là những quy luật thực hành khách quan khi có giá trị cho mọi hữu thể có lý tính. (PPLTTH, tr. 19, tr. 17). Phân tích của Kant về các nguyên tắc thực hành diễn ra theo hai hướng: một sự phân tích nghi vấn các ứng viên thích hợp cho các nguyên tắc của lý tính thực hành trong các trước tác thời kỳ tiền phê phán và trong CSSĐ, và một sự trình bày tổng hợp về các nguyên tắc xác định một ý chí thuần túy trong PPLTTH và SHHĐL.
Phân tích nghi vấn phân biệt hai ứng viên thích hợp cho các nguyên tắc khả hữu của hành động thực hành. Cái đầu là nguyên tắc theo truyền thống Wolff về sự hoàn hảo, được Kant phát biểu là “tránh làm những gì sẽ cản trở việc hiện thực hóa sự hoàn hảo khả hữu nhất” (THTN, tr. 299, tr. 273). Kant xem ứng viên ấy - giống như nguyên tắc mâu thuẫn của Wolff trong triết học lý thuyết- là trống rỗng và không thể dùng làm nguồn suối cho một bổn phận xác định được. Đối với những nguyên tắc riêng lẻ, có tính chất liệu như vui sướng, hạnh phúc và cảm quan luân lý, thì nguyên tắc ấy là “mù quáng”, không thể mang lại tính phổ quát và tính tất yếu như đòi hỏi của một nguyên tắc thực hành. Một ngõ cụt tư ổng tự cũng gặp phải trong SHHĐL, ở đó cả nguyên tắc “thuần lý” về “sự hoàn hảo” lẫn nguyên tắc “thường nghiệm” về “cảm quan luân lý” đều được nhận thấy là không đủ để đáp ứng như là một “nguyên tắc tối cao của luân lý”.
Nguyên tắc thực hành thỏa ứng duy nhất được thừa nhận trong SHHĐL là “sự tự trị của ý chí” - cho rằng ý chí tự ban bố luật cho bản thân nó. Một nguyên tắc như thế sẽ được con người trải nghiệm như là mệnh lệnh, và có thể được phát biểu trong mệnh lệnh nhất quyết: “Hãy hành động sao cho châm ngôn của ý chí của bạn lúc nào cũng đồng thời có thể có giá trị như là nguyên tắc của một sự ban bố quy luật phổ biến” (SHHĐL tr. 440, tr. 44; xem thêm PPLTTH tr. 30, tr. 30). Rồi Kant cố gắng chứng minh, trước hết trong PPLTTH, rằng nguyên tắc này tránh được sự dị trị của những nguyên tắc chất liệu và những nguyên tắc mô thức đã bị bác bỏ. Những kết luận của ông đã khiến cho người đọc phải suy nghĩ, nhưng không mấy thuyết phục. Chúng được tiếp tục triển khai thành “Những nguyên tắc siêu hình học” chi tiết hon trong các học thuyết về “Pháp quyền” và “Đức hạnh”, hai bộ phận của quyển SHHĐL.
Đinh Hồng Phúc dịch