Năng động (các phạm trù, các nguyên tắc và các ý niệm năng động) [Đức: dynamische Kategorien, Grundsätze und Ideen; Anh: dynamical categories, principles, and ideas]
Xem thêm: Suy lý, Tiên đề, Phạm trù, Ý niệm, Nguyên tắc, Ý niệm điều hành, Cao cả,
Trong “Biện chứng pháp siêu nghiệm” của cuốn PPLTTT, Kant nói đến một “sự khác biệt cơ bản giữa những đối tượng, tức là giữa những khái niệm của giác tính, - những khái niệm đã được lý tính cố tình nâng lên thành các Ý niệm” (PPLTTT A529/ B557). Đây là sự phân biệt giữa các phạm trù và các nguyên tắc toán học với các phạm trù và các nguyên tắc năng động. Bảng các phạm trù gồm 12 phạm trù được xếp dưới bốn đề mục: Lượng, Chất, Tương quan, Tình thái. Hai nhóm đầu được xác định như các phạm trù có tính toán học; hai nhóm sau được xem như các phạm trù có tính năng động. Các phạm trù toán học về lượng và chất “hướng đến các đối tượng của trực quan (thuần túy lẫn thường nghiệm)”, trong khi các phạm trù năng động về tương quan và tình thái “hướng đến sự tồn tại của các đối tượng này (hoặc trong quan hệ với nhau hoặc với giác tính)” (PPLTTT B 110). Để áp dụng các phạm trù vào kinh nghiệm khả hữu, cần phải biến chúng thành những nguyên tắc, và các nguyên tắc
này cũng được bàn đến trong “Phân tích pháp các nguyên tắc”, và được phân chia thành những nguyên tắc có tính toán học và các nguyên tắc năng động.
Các nguyên tắc toán học gồm các tiên đề của trực quan và các dự đoán của tri giác, và có tính cấu tạo cho trực quan. Vì kinh nghiệm là không thể có được nếu không có trực quan, nguyên tắc hình thành “các điều kiện tuyệt đối cần thiết của mọi kinh nghiệm khả hữu” và sự sử dụng của chúng “là có tính tất yếu vô điều kiện, nghĩa là “tất nhiên” (apodiktisch)” (PPLTTT A 160/ B 199). Các nguyên tắc năng động của những loại suy của kinh nghiệm và những định đề của tư duy thường nghiệm xác định “sự tồn tại của đối tượng của một trực quan thường nghiệm khả hữu” và không tất nhiên. Tuy nhiên, chúng có tính cấu tạo cho kinh nghiệm thường nghiệm, và vì thế “có tính cách của một sự tất yếu tiên nghiệm”, nhưng sự tất yếu này chỉ có thể được chứng minh sau sự kiện của kinh nghiệm, và vì thế “không chứa đựng sự hiển nhiên trực tiếp vốn là đặc điểm của các nguyên tắc thuộc loại trước (mặc dù khi áp dụng vào kinh nghiệm tính xác tín của chúng vẫn không bị tổn hại gì)” (PPLTTT A 160/ B 200). Các nguyên tắc toán học trình bày các điều kiện cần thiết cho một đối tượng xuất hiện ra trong không gian và thời gian, trong khi các nguyên tắc năng động trình bày các điều kiện cần thiết cho một đối tượng xuất hiện ra cho ta, nhất là trong những mối quan hệ của nó với các hiện tượng khác (phương diện tương quan) và xuất hiện ra cho giác tính của ta (phương diện tình thái). Tuy nhiên, cả hai nhóm các nguyên tắc này đều có tính cấu tạo cho kinh nghiệm, nguyên tắc toán học có tính cấu tạo trực tiếp cho trực quan, nguyên tắc năng động “làm cho các khái niệm có thể có được một cách tiên nghiệm và nếu không có chúng, kinh nghiệm cũng không thể có được” (PPLTTT A 664/ B 692).
Với bàn luận về các ý niệm toán học và các ý niệm năng động, sự khác biệt càng cốt yếu hơn. Nếu cả bốn nghịch lý đều được xử lý như thể chúng có tính toán học, như thể điều kiện là đồng tính với cái có-điều kiện, hay “những điều kiện được nối kết với cái có-điều kiện như là những mắt xích của chuỗi” (PPLTTT A 528/ B 556), thế thì các nghịch lý ắt sẽ tỏ ra không thể giải quyết được. Bởi lẽ, trong trường hợp của “sự nối kết những chuỗi hiện tượng một cách toán học, không thể chấp nhận cái gì khác hơn là điều kiện cảm tính, tức là một điều kiện mà bản thân cũng phải là một bộ phận của chuỗi”, nhưng nếu sự nối kết những chuỗi này được suy tưởng về mặt năng động, dựa theo một “sự tổng hợp của cái dị tính” thì “một điều kiện dị tính [không cùng loại], tức bản thân không phải là một bộ phận của chuỗi, mà như là đơn thuẫn khả niệm [chỉ có thể suy tưởng được] nằm bên ngoài chuỗi, có thể thỏa mãn được lý tính” (PPLTTT A 530/ B 558). Với quan niệm này về chuỗi, ta có thể thỏa mãn cả giác tính lẫn lý tính đối với các nghịch lý trước hết là về sự tự do và tính nhân quả, sau đó là về tính bất tất và một hữu thể tất yếu. Trong trường hợp này, lý tính không thể được sử dụng một cách cấu tạo, mà chỉ được sử dụng một cách điều hành thông qua các châm ngôn cho sự thống nhất có hệ thống của sự sử dụng của giác tính.
Sự phân biệt giữa tính toán học và tính năng động còn có tầm ý nghĩa trong “Phân tích pháp vê cái Cao cổ” trong PPNLPĐ, ở đó sự khác biệt của “cái toán học” và “cái năng động” thay chỗ cho “bảng các phạm trù” được sử dụng trong “Phân tích pháp vê cái Đẹp”. Trong trường hợp đầu, đối tượng cao cả được xem xét “trên phương diện toán học” dựa vào độ lớn, như cái gì “lớn một cách tuyệt đối” hoặc “lớn vượt lên hẳn mọi sự so sánh” (PPNLPĐ § 25). Trong trường hợp sau, cái cao cả năng động được biểu lộ bằng “sự tác động đến trí tưởng tượng” của nó hay sự sợ hãi và khiếp sợ nảy sinh nơi người xem bởi cảnh tượng cao cả.
Châu Văn Ninh dịch
Nghệ thuật [Hy Lạp: techne; Latinh: ars; Đức: Kunst; Anh: art]
Xem thêm: Hành động, Cảm nănghọc/Mỹ học, Đẹp (cái), Tài khéo,
Kant đi theo định nghĩa của Aristoteles về nghệ thuật như một kỹ năng hay tâm thế trong việc tạo ra các sự vật. Theo định nghĩa này, một “tác phẩm nghệ thuật” là bất cứ cái gì được tạo ra qua sự thực hành một nghệ thuật. Trong quyển Đạo đức học Nicomachus (Aristoteles, 1941, 1140a) và quyển Phân tích pháp II (100a, 3-9), Aristoteles tập hợp những sự sử dụng khác nhau của Platon về thuật ngữ này thành một sự phân biệt nghiêm ngặt giữa kỹ thuật (techne) tạo ra các sự vật (poiesis), tri thức của nhận thức lý thuyết (theoria), và sự cân nhắc (phronesis) của hành động (praxis). Nghệ thuật là ở chỗ các quy luật được khái quát hóa từ kinh nghiệm và được áp dụng để hiện thực hóa một ý đồ.
Sự phân biệt ấy đã có một ảnh hưởng cực kỳ lâu dài và rộng rãi. Aquinas định nghĩa nghệ thuật “không gì khác hơn là lý do đúng về các công việc nhất định phải được làm” (Aquinas, 1952, II, 57, 3), nhưng ông phân biệt giữa các nghệ thuật lệ thuộc “được định ra cho các công việc phải được làm bằng thể xác” với các nghệ thuật của linh hồn hay “các nghệ thuật tự do”. Cái sau hình thành cơ sở cho chương trình giảng dạy thời trung đại sơ kỳ về bảy môn nghệ thuật tự do được chia thành bộ ba (trivium) (ngữ pháp, biện chứng pháp, tu từ học) và bộ bốn (quadrivium) (số học, hình học, thiên văn học, âm nhạc). Vào thế kỷ XVIII, dù nghĩa của nghệ thuật như là một kỹ năng vẫn còn được giữ lại, nhưng nó thường được minh họa bằng sự quy chiếu đến nghệ thuật sáng tạo thi ca hay hội họa. Quyển Từ vựng Triết học (Philosophisches Lexicon, 1737) theo trường phái Wolff của Meissner định nghĩa chữ “Kunst” như “năng lực” hoặc “kỹ năng” của một người “hình thành một sự vật bên ngoài chính mình”, chẳng hạn như “kĩ năng viết nên một bài thơ của một thi sĩ”.
Sự bàn luận chính của Kant về nghệ thuật được thấy trong các tiểu mục §§43-53 của cuốn PPNLPĐ. Ông định nghĩa nghệ thuật như “tài khéo của con người, được phân biệt với khoa học (tức năng lực có được từ tri thức), giống như sự phân biệt giữa năng lực thực hành với năng lực lý thuyết, giữa kỹ năng với lý luận (giống như phân biệt giữa thuật đo đạc với môn hình học)” (PPNLPĐ § 43). Ông dành sự chú ý đặc biệt cho mỹ thuật, phân biệt các hoạt động ấy với nghề thủ công, là công việc tạo tác mà không cần có một ý đồ [nội dung], và các nghệ thuật máy móc hiện thực hóa ý đồ của chúng một cách hoàn hảo. Sự thực hành mỹ thuật tạo ra các tác phẩm, và nghịch lý thay, những tác phẩm này “phải được nhìn giống như thể là tự nhiên, cho dù ta ý thức rõ ràng đó là nghệ thuật” (PPNLPĐ § 45). Việc xem xét loại nghệ thuật tác tạo này đã dẫn Kant đến lý thuyết về tài năng thiên bẩm của ông, được xem như năng lực hay tâm thế tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đúng đắn nhưng không cho thấy có dấu vết gì “của việc quy tắc luôn chập chờn trước mắt và trói buộc các năng lực tâm thức của người nghệ sĩ” (PPNLPĐ § 45).
Kant phân loại các mỹ thuật bằng một sự tương tự [loại suy] với ba cách thức mà con người truyền thông với nhau: thông qua lời nói, điệu bộ và âm thanh. Các nghệ thuật lời nói là tu từ học và thơ ca, các nghệ thuật của điệu bộ (hay “các nghệ thuật tạo hình”) gồm các nghệ thuật tạo hình như kiến trúc và điêu khắc và nghệ thuật hội họa, trong khi các nghệ thuật âm thanh gồm các nghệ thuật âm nhạc và màu sắc. Ông cũng thừa nhận các nghệ thuật hỗn hợp. Chìa khóa để hiểu những sự phân chia ấy là phải nhớ rằng chúng quy chiếu đến các kỹ năng hay những thực hành, chứ không chủ yếu đến các đối tượng. Ta cũng có thể nói tương tự thế khi ông quy chiếu đến thuyết niệm thức trong PPLTTT như là “một tài nghệ ẩn tàng tận trong đáy sâu của tâm hồn con người” (A 141, B 181) - nó là một kỹ năng hay một hoạt động tạo ra các niệm thức, chứ không phải tạo ra chính bản thân một đối tượng.
Triết học nghệ thuật của Kant thường bị lẫn lộn với nghiên cứu của ông về mỹ học, hay sự mổ xẻ của ông về năng lực phán đoán thẩm mỹ. Điều này cho phép nhiều người kế tục ông, kể cả Schiller và Hegel, phê phán ông vì đã tạo ra một mỹ học loại trừ sự sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật. Thực tế, nghiên cứu của ông nối kết các phương diện của nghiên cứu theo truyền thống Aristoteles về nghệ thuật như một kỹ năng với sự nhấn mạnh mới về mỹ thuật. Sự nối kết này đã có tầm quan trọng đáng kể trong các cuộc tranh luận gần đây trong bộ môn mỹ học, là các cuộc tranh luận đang tìm cách phục hồi yếu tố kỹ năng khi nghiên cứu về sự sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật.
Trần Kỳ Đồng dịch
Nguyên tắc của lý tính thực hành (các) [Đức: Grundsätze der praktischen Vernunft; Anh: principles of practical reason]
Xem thêm: Mệnh lệnh nhất quyết, Tự do, Thiện (cái), Mệnh lệnh, Châm ngôn, Ý chí,
Các nguyên tắc của lý tính thực hành là những mệnh đề diễn tả một sự quy định phổ biến của ý chí. Chúng là những châm ngôn chủ quan khi có giá trị cho ý chí của con người, nhưng lại là những quy luật thực hành khách quan khi có giá trị cho mọi hữu thể có lý tính. (PPLTTH, tr. 19, tr. 17). Phân tích của Kant về các nguyên tắc thực hành diễn ra theo hai hướng: một sự phân tích nghi vấn các ứng viên thích hợp cho các nguyên tắc của lý tính thực hành trong các trước tác thời kỳ tiền phê phán và trong CSSĐ, và một sự trình bày tổng hợp về các nguyên tắc xác định một ý chí thuần túy trong PPLTTH và SHHĐL.
Phân tích nghi vấn phân biệt hai ứng viên thích hợp cho các nguyên tắc khả hữu của hành động thực hành. Cái đầu là nguyên tắc theo truyền thống Wolff về sự hoàn hảo, được Kant phát biểu là “tránh làm những gì sẽ cản trở việc hiện thực hóa sự hoàn hảo khả hữu nhất” (THTN, tr. 299, tr. 273). Kant xem ứng viên ấy - giống như nguyên tắc mâu thuẫn của Wolff trong triết học lý thuyết- là trống rỗng và không thể dùng làm nguồn suối cho một bổn phận xác định được. Đối với những nguyên tắc riêng lẻ, có tính chất liệu như vui sướng, hạnh phúc và cảm quan luân lý, thì nguyên tắc ấy là “mù quáng”, không thể mang lại tính phổ quát và tính tất yếu như đòi hỏi của một nguyên tắc thực hành. Một ngõ cụt tư ổng tự cũng gặp phải trong SHHĐL, ở đó cả nguyên tắc “thuần lý” về “sự hoàn hảo” lẫn nguyên tắc “thường nghiệm” về “cảm quan luân lý” đều được nhận thấy là không đủ để đáp ứng như là một “nguyên tắc tối cao của luân lý”.
Nguyên tắc thực hành thỏa ứng duy nhất được thừa nhận trong SHHĐL là “sự tự trị của ý chí” - cho rằng ý chí tự ban bố luật cho bản thân nó. Một nguyên tắc như thế sẽ được con người trải nghiệm như là mệnh lệnh, và có thể được phát biểu trong mệnh lệnh nhất quyết: “Hãy hành động sao cho châm ngôn của ý chí của bạn lúc nào cũng đồng thời có thể có giá trị như là nguyên tắc của một sự ban bố quy luật phổ biến” (SHHĐL tr. 440, tr. 44; xem thêm PPLTTH tr. 30, tr. 30). Rồi Kant cố gắng chứng minh, trước hết trong PPLTTH, rằng nguyên tắc này tránh được sự dị trị của những nguyên tắc chất liệu và những nguyên tắc mô thức đã bị bác bỏ. Những kết luận của ông đã khiến cho người đọc phải suy nghĩ, nhưng không mấy thuyết phục. Chúng được tiếp tục triển khai thành “Những nguyên tắc siêu hình học” chi tiết hon trong các học thuyết về “Pháp quyền” và “Đức hạnh”, hai bộ phận của quyển SHHĐL.
Đinh Hồng Phúc dịch