Dépression
[VI] SUY NHƯỢC (Thần kinh)
[FR] Dépression (nerveuse)
[EN]
[VI] Một hội chứng thường gặp ( và các bác sĩ thường chẩn đoán) nhưng không dễ gì xác định về tính chất, căn nguyên. Gồm mấy yếu tố: - Tính khí trầm muộn, cảm thấy mệt mỏi, đau khổ, thấy mình yếu ớt, thua kém, không tập trung được công việc, không còn hy vọng về tương lai, có khi có ý nghĩ muốn chết “cho xong” - Bị ức chế về vận động và suy nghĩ, uể oải, và sáng mới ngủ dậy chưa làm gì đã thấy mệt; - Lo hãi mơ hồ, mỗi trở ngại trong cuộc sống không đáng kể cũng biến thành tấn kịch. Thêm vào đó là khó ăn, khó ngủ, huyết áp có thể dao động, đau đầu, nhức xương khớp… Một số tâm dược có hiệu lực với chứng suy nhược, nhưng bao giờ cũng cần tìm ra căn nguyên và giải pháp triệt để bằng tâm pháp.
Dépression
[VI] TR TRẦM NHƯỢC
[FR] Dépression
[EN]
[VI] Trầm là chìm xuống, tính khí mất hào hứng sôi nổi, buồn bã, chán chường, bi quan. Nhược là suy yếu, mêt mỏi, uể oải, không muốn cử động, mặc dù không có bệnh tật rõ rệt. Có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi, từ sơ sinh đến già cả, có thể biểu hiện rõ nét, hay ẩn tàng, có thể kết hợp với ít nhiều triệu chưng khác thành những bức tranh lâm sàng đa dạng. Ba nét chủ yếu: - Ức chế về vận động, về tâm lý, với cảm giác bất lực, không cử động, không muốn làm gì, không quyết định được gì cả, hạn chế mọi hoạt động, kể cả sinh hoạt hàng ngày như vệ sinh thân thể, chăm sóc ăn mặc. Tư duy chậm chạp nghèo nàn, ít nói, không mất định hướng không gian và thời gian, không có hư giác nhưng không quan tâm đến sự việc chung quanh, không tập trung chú ý được. Ức chế về tình cảm, không ham muốn, thích thú, yêu ghét. - Rối nhiễu thể chất: biếng ăn, táo bón, đau nhức chỗ này, chỗ khác, khó ăn khó ở. Mất ngủ thường xuyên. Uể oải mệt mỏi, nhất là lúc mối thức dậy buổi sáng. - Trăn trở khổ tâm, bi quan, chán nản. Thấy cuộc đời vô vị, thấy mình đầy tội lỗi, khuyết điểm. Khổ nhất là người thân lại hay động viên bảo cố gắng lên. Điều đáng đề phòng nhất là ý muốn tự sát. Những tâm dược chống trầm (Imipramine) có tác dụng giảm nhẹ trầm nhược, nhưng kết hợp với tâm pháp sau khi cơn trầm muộn đã qua. Phân biệt những phản ứng trầm nhược nhất thời sau một sự cố trong đời sống (thi hỏng, mất người thân, thất nghiệp…) với chứng bệnh trầm nhược; ở đây, những triệu chứng bi quan, uể oải, chán chường, cảm giác bất lực, sống vô vị, vô nghĩa quá mức đối chiếu với sự kiện đấy gây ra. Khi những cơn trầm nhược xen kẽ với những cơn hưng phấn, có khi cuồng động (hoạt động sôi nổi, lung tung, đứng ngồi không yên, không chịu ngủ…) đó là chứng hưng trầm mang tính bệnh lý, có yếu tố di truyền. Chứng bệnh này ngày nay có thể chữa với các tâm dược chống trầm và đặc biệt với lithium. Có người dùng từ trầm cảm, từ này không nói lên được yếu tố mệt mỏi, suy nhược. Trong cuộc sống hiện nay con người dễ vấp váp nhiều tình huống khó xử, dễ sinh trầm nhược, nặng hay nhẹ, ở tất cả các lứa tuổi, nhất là ở những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời: tuổi sơ sinh, dậy thì, thanh niên, sinh đẻ, về hưu, già. Chẩn đoán trầm nhược không khó. Khó là đánh giá nặng nhẹ, nhất là đề phòng tự sát. Việc phát minh các loại thuốc chống trầm và nghiên cứu lâm sàng tinh vi hơn làm cho việc chăm chữa trầm nhược cần được tiến hành theo đúng các chỉ định. Lạm dụng thuốc chống trầm (anti - dépresseur) cũng như một số loại thuốc an thần khác có thể dẫn đến nghiện như nghiện ma túy. Chẩn đoán trầm nhược quá dễ dàng cũng có thể dẫn đến bỏ qua những bệnh thực thể có khi nghiêm trọng.