Identité
[VI] CHÍNH MÌNH (cái chính mình)
[FR] Identité
[EN]
[VI] Nhiều người dịch là bản sắc, có người dịch là căn cước. Một khái niệm tổng hợp nhiều mặt: - Cảm nhận về thân thể của mình, xuất phát từ những cảm giác từ cơ thể mà ra. - Cảm nhận về tính liên tục trong thời gian, mặc dù qua nhiều biến động vẫn cảm thấy mình là một con người không thay đổi. - Cảm nhận về giá trị của bản thân, tự tin thông qua sự đánh giá của người khác, vai trò của mình trong xã hội. - Cảm nhận về một định hướng cho cuộc sống, xác định một số giá trị làm nền tảng cho mọi cố gắng. Cảm nhận được cái chính mình vừa có mặt chủ quan, cá thể vừa có mặt xã hội; sự cảm nhận về bản thân liên quan chặt chẽ với những tác động qua lại với người khác, trong một bối cảnh xã hội nhất định, tạo nên một con người riêng biệt, có một vị trí, một vai trò có gốc rễ trong một xã hội nhất định, đồng thời có khả năng tự khẳng định, mình tự nhận ra mình. Khái niệm này có thể vận dụng cho một tập thể, một dân tộc. Đứng trước sóng gió do nhiều biến cố gây ra, một con người nhiều khi không nhận rõ được mình là ai nữa, cũng như một dân tộc bị nhiều luồng văn hóa tư tưởng chi phối, không đủ sức giữ gìn truyền thống, cũng không tiêu hóa nổi những cái mới, là mất đi cái “chính mình”. Hoàn cảnh khách quan vùi dập tiềm năng chủ quan, con người bị tha hóa, phải thông qua giải quyết mâu thuẫn xung đột, tẩy trừ những ảnh hưởng ngoại lai mới tìm ra cái “chính mình”
Identité
[VI] BẢN SẮC
[FR] Identité
[EN]
[VI] Cái cội gốc riêng biệt, với những sắc thái độc đáo của bản ngã một con người, hay của một dân tộc. Hiện nay là một vấn đề thời sự bức xúc, vì cá nhân và các dân tộc sống giữa nhiều văn hóa giao lưu, bị tràn ngập thông tin, phim ảnh, âm thanh hỗn tạp, quảng cáo tuyên truyền. Bản sắc cá tính và văn hóa dân tộc bị vùi dậ, đi đến mất gốc, không còn tự nhận ra mình là con người như thế nào nữa. Tìm lại bản sắc, phát huy bản sắc, khẳng định bản sắc, xây dựng bản sắc trở thành những vấn đề thời đại. Có thể dùng từ “chính mình” để nói rõ thêm tính riêng biệt, mình nhận ra mình. Bản sắc, cái “chính mình” có hai mặt: - một bên là bản thân tự nhận ra mình, có ý thức tự tin, tự trọng. - một bên là xã hội, hình thành qua sự đánh giá đối xử của người khác, của các dân tộc khác. Khẳng định, phát huy được cái chính mình là một quá trình kết hợp việc bảo vệ truyền thống quá khứ với sự tiếp nhận cái mới, cái lạ thành một tổng thể hài hòa. Là một quá trình không ngừng biến chuyển, không ngừng lại ở một thời điểm nào. Có thể câu của Khổng Tử “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh…” là quá trình tìm ra cái chính mình, tri thiên mệnh là đã nhận thức rõ về bản thân.