Duy thực (thuyết) [Đức: Realismus; Anh: realism]
Xem thêm: Duy tâm (thuyết), Không gian, Thời gian,
Trong PPLTTT, Kant khảo sát sự mơ hồ nước đôi được thừa nhận rộng rãi giữa nghĩa bản thể học và nghĩa nhận thức luận của [thuật ngữ] “thuyết duy thực” để xác lập một sự đối lập biện chứng: thuyết duy thực siêu nghiệm/thuyết duy tâm thường nghiệm và thuyết duy tâm siêu nghiệm/thuyết duy thực thường nghiệm. Theo nghĩa bản thể học, thuyết duy thực biểu thị tính thứ nhất (theo kiểu Platon) của những mô thức hay những ý niệm so với các sự vật cá biệt. Theo nghĩa nhận thức luận, nó đưa đến một nhận thức trực tiếp và chính xác về thế giới bên ngoài. Dựa vào đó, Kant mô tả đặc trưng của thuyết duy thực siêu nghiệm trong PPLTTT là sự xác tín rằng “thời gian và không gian như là cái gì được mang lại một cách tự thân, độc lập với cảm năng của ta” và các hiện tượng bên ngoài như là “những vật tự thân” (A 369, cũng xem: A 491/B 519). Sau đó Kant chỉ ra rằng một xác tín như thế vào tính hiện thực siêu nghiệm của những đối tượng của giác quan khiến nó khó “xác lập tính hiện thực cho chúng” trong các trường hợp cá biệt. Kết quả là thuyết duy thực siêu nghiệm sẽ dẫn đến thuyết duy tâm thường nghiệm. Điều này trái ngược hẳn với thuyết duy tâm siêu nghiệm [của Kant] là thuyết cho rằng những hiện tượng được cấu tạo bởi những cấu trúc chủ quan của kinh nghiệm, nhưng tính hiện thực lại “được tri giác một cách trực tiếp” ở bên trong những cấu trúc ấy (A 371), do đó sẽ dẫn đến thuyết duy thực thường nghiệm.
Đinh Hồng Phúc dịch