Tư kiến [Hy Lạp: doxa; Latinh: opinio; Đức: Meinung; Anh: opinion]
Xem thêm: Niềm tin, Cho-là-đúng (sự), Ảo tưởng, Nhận thức, Chân lý,
Theo nghĩa cổ điển, tư kiến đối lập với chân lý, và được đặt vào trong một loạt các đối lập tiếp theo như: biến dịch-tồn tại, tri thức-cảm giác. Trong Parmenides, tư kiến (doxa) bị bó hẹp vào cảm giác (aithesis) về vương quốc của biến dịch, trong khi cái biết (noesis) lại quan tâm đến nhận thức về vương quốc không biến đổi của tồn tại. Trong Cộng hòa, Platon triển khai một sự phân chia được nối khớp một cách nội tại hơn, đặt tư kiến vào giữa cái biết về ý niệm đúng thật và sự không biết về cái không thực tồn (Platon, Rep. 478). Trong khi tư kiến vẫn còn bị bó hẹp vào các sự vật khả giác thì nó cũng được coi là bao gồm cả sự nhận thức thông thường, về sau, trong tác phẩm Cộng hòa, Platon đi xa hơn khi phân chia tư kiến thành “lòng tin” và “tư duy hình ảnh”, làm nền tảng cho quan hệ giữa tư kiến, ảo tưởng và tri thức thông thường.
Có nhiều lúc, Kant duy trì sự đối lập giữa tư kiến và chân lý, như trong Lời nói đầu cho PPLTTT, ông phân biệt tư kiến với sự chắc chắn. Tuy nhiên nhất quán nhất là trong PPLTTT (A 822/B 850 ff), PPNLPĐ (§91) và L (tr. 570-6), ông mặc nhiên theo sơ đồ ba phần của Platon bằng cách đối lập tư kiến với tri thức và lòng tin như là một trong ba hình thức mà một phán đoán có thể “được cho là đúng” (Fürwahrhalten). Ba hình thức được phân biệt dựa theo mức độ xác tín, và đến lượt nó, mức độ xác tín này được chia thành “sự đầy đủ về chủ quan”, hay xác tín (cho riêng tôi) và “sự đầy đủ về khách quan” hay “sự chắc chắn” (cho bất cứ ai) (PPLTTT A 822/B 850). Tri thức, hay việc xem một phán đoán là đúng, là đầy đủ cả về mặt chủ quan lẫn về mặt khách quan, còn một phán đoán của lòng tin được xem là đầy đủ về mặt chủ quan nhưng không đầy đủ về mặt khách quan; trong khi đó, một phán đoán của tư kiến là không đầy đủ cả về mặt chủ quan lẫn về mặt khách quan.
Trong PPNLPĐ, sự phân biệt bộ ba được mở rộng đến ba đối tượng của phán đoán: những sự kiện, những sự việc của lòng tin và những sự việc của tư kiến. Những sự kiện “trả lời cho những khái niệm mà tính thực tại khách quan của chúng có thể chứng minh được”; những sự việc của lòng tin trả lời cho những gì có thể “được suy tưởng một cách tiên nghiệm” nhưng “tính thực tại khách quan của chúng không thể được chứng minh bằng bất cứ phương cách nào” chẳng hạn như sự tồn tại của Thượng đế hay summum bonum (cái thiện tối cao), trong khi những sự việc của tư kiến là “các đối tượng thuộc về thế giới cảm tính, nhưng là các đối tượng mà một nhận thức thường nghiệm về chúng là không thể có được cho ta, bởi cấp độ nhận thức thường nghiệm của ta chỉ như thể’ (PPPĐ §91). Những ví dụ của Kant về những đối tượng của tư kiến là chất “ether” và “sự sống ngoài trái đất”; và các ví dụ này cho thấy rõ một sự dị biệt mấu chốt giữa cách hiểu của ông và cách hiểu theo nghĩa cổ điển về tư kiến. Với Kant, tư kiến trong khi bị bó hẹp vào kinh nghiệm cảm tính, do đó, không phải là ảo tưởng; trái lại, nó là có thể có, nhưng với tư cách là tri thức thì nó còn chưa đủ thuyết phục và chắc chắn (PPLTTT A 775/B 803). Vị thế tạm thời của các phán đoán của tư kiến được khẳng định trong L, ở đó Kant phân biệt ba hình thức của việc cho-là-đúng về tình thái riêng đối với các phán đoán của chúng: những phán đoán chắc chắn về sự kiện là hiển nhiên, những phán đoán thuyết phục dựa vào lòng tin là xác định, trong khi các phán đoán dựa vào tư kiến là nghi vấn. Tư kiến là một “phán đoán Sổ bộ”, “một ý thức mổ hồ về chân lý” mà ta không thể dứt ra được khi đưa ra những phán đoán; đó chính là “cái mà tôi ý thức về phán đoán của tôi là có tính nghi vấn” (L 570-6).
Đinh Hồng Phúc dịch