TRƯƠNG LỰC
[VI] TRƯƠNG LỰC (Cơ)
[FR] Tonus musculaire
[EN]
[VI] Lúc các cơ bắp ở yên không vận động, bao giờ ít hay nhiêu cũng căng lên: đó là trương lực của cơ, giữ cho toàn thân hay một bộ phận nào đó ở trong một tư thế nhất định, như đứng thẳng, giữ thẳng đầu, đưa tay lên…Và tư thế gắn liền với tâm tư, tình cảm: mỗi một cảm xúc nào cũng làm cho một số cơ nào đó căng lên, hoặc chuẩn bị thực hiện một vận động nào đó, thì một số cơ bắp phải căng lên. Khi con người cảnh giác cao độ, chờ đón đối phó với một nguy cơ nào đó, các cơ bắp căng lên. Khi ngủ thì các cơ dãn mềm ra, và tâm trí thoải mái thì trương lực cơ giảm đi. Hệ thống các nơ – ron và dây thần kinh chi phối trương lực cơ gọi là vòng gamma, đi từ vỏ não, thông qua trung não, tiểu não, đến tủy rồi mới đến cơ, qua rất nhiều mối liên hệ với nhiều cảm giác xuất phát từ nhiều bộ phận trong cơ thể. Vì vậy mỗi một kích thích bất kỳ từ đâu cũng ảnh hưởng đến trương lực cơ. Một bộ phận quan trọng về mặt trương lực là hệ thống cơ trục, tức các cơ hai bên cột sống, từ cổ đến hông. Thời tấm bé, khi trẻ chưa biết nói, mỗi cảm xúc như đói, no, bị ướt đều biểu hiện qua sự co cứng của các cơ, đặc biệt cơ trục; người mẹ ẵm bế con cảm nhận những biến động cơ bắp của con và đáp ứng lại bằng cách thay đổi cách bế của mình rồi cho bú hay tắm rửa. Mẹ con hiểu nhau qua sự “đối đáp trương lực” ấy (dialogue tonique). Tập làm dãn cơ dẫn đến thư thái tâm trí, cho nên gọi là phương pháp thư dãn ( x. từ này)