CỔ TÍCH
[VI] CỔ TÍCH
[FR] Conte
[EN]
[VI] Trong các truyện cổ tích, đứng về góc độ tâm lý học, thấy rõ nhiều chủ đề phù hợp với tâm tư của trẻ em, mà những đặc điềm tâm lý này có tính phổ cập, cho nên các truyện cổ tích của các dân tộc khác nhau vẫn gặp nhau và được mọi dân tộc ưa thích. Những chủ đề ấy thường là những thắc mắc, vấp váp của trẻ em, trong quá trình trưởng thành; các em không chỉ có nghe câu chuyện, và từ đó giải tỏa những ấm ức vướng mắc không thể giải quyết trong cuộc sống thực tế. Trẻ em càng bé càng lệ thuộc vào người lớn, cho nên có những mối tình cảm mâu thuẫn: - Yêu kính bố mẹ, đồng thời thù ghét vì hay cấm đoán, nhưng trong cuộc sống bình thường không thể trả thù. - Muốn tự lập, nhưng lại lo hãi sợ bị ruồng bỏ, phải sống một mình, muốn ra khỏi nhà mà vẫn sợ. - Tìm dựa vào anh chị, nhưng cũng hay ganh tị. - Dù bề ngoài có êm thắm, thì trong thâm tâm vẫn mâu thuẫn sâu sắc với dì ghẻ, bố dượng. Trong các truyện cổ tích, ông Bụt bà Tiên tượng trưng cho bố mẹ toàn năng, toàn trí, bảo vệ cuộc sống, còn mụ phù thủy, con quỉ hay thằng khổng lồ ăn thịt người chính là bố mẹ lúc cấm đoán trừng phạt, và cuối cùng bao giờ cũng thua trận; chú bé tý hon, bố mẹ bỏ vào rừng cuối cùng vẫn tìm được con đường sống; chú em hiền lành đánh bại ông anh tàn nhẫn ích kỷ; mụ dì ghẻ cay nghiệt bị trừng phạt. Những thất bại, cảnh thường tình bị lép vế của phận làm em, trong truyện được bù trừ; cuộc đời bên ngoài đầy nguy hiểm, nhưng cũng rất hấp dẫn, những cuộc phiêu lưu của những chú bé hay những con vật cuối cùng đều thành công, và thu hoạch được nhiều kinh nghiệm quý báu. Trong các truyện, chết rồi lại sống, chết không phải là vĩnh biệt, không trở lại nữa, mà là trừng phạt nặng nề nhất ( bố mẹ có khi dọa: đánh chết bây giờ!) Tóm lại không có gì là “hoang đường” cả, nhưng đưa trẻ em vào thế giới mơ tưởng, ở đó những ràng buộc của cuộc sống bình thường được giải tỏa, giúp cho điều hòa tình cảm, và hình thành nhân cách, không để những thắc mắc ấm ức tích tụ. Vì vậy những câu chuyện tưởng là hoang đường này, lại được các em ưa thích hơn những chuyện “người thật, việc thật”, chính vì nó “thật” hơn.