Nguyên tử [Đức: Atome; Anh: atom]
-> > Liên tục, Khả phân, Vật chất, Đơn tử,
Nhà nước [Đức: Staat; Anh: State]
Xem thêm: Hiến pháp, Liên hiệp các quốc gia, Dị trị, Hòa bình, Trước tác chính trị học (các),
Trong triết học về nhà nước, Kant phân biệt giữa nhà nước và hiến pháp. Trong PPNLPĐ §83, ông mô tả hiến pháp như là “việc điều tiết các mối quan hệ giữa con người với nhau sao cho pháp quyền trong một cái toàn bộ đối lập lại sự lạm dụng của các quyền tự do đang xung đột nhau”, qua đó nhận diện nhà nước như là một phần của hiến pháp rộng lớn hon. Điều này cho phép ông, trong HBVC, phân biệt giữa “hiến pháp cộng hòa” và hiến pháp dân chủ. Ở đó, ông đưa ra hai kiểu phân loại về nhà nước: một loại căn cứ vào “hình thức chủ quyền” có thể là độc tài, quý tộc, hoặc dân chủ; một loại căn cứ vào “hình thức của chính quyền” có thể là cộng hòa hoặc chuyên chế. Hình thức cộng hòa của chính quyền tách quyền hành pháp ra khỏi quyền lập pháp, và cũng có thể có việc phân quyền ấy trong hình thức chủ quyền độc tài cũng như quý tộc; tuy nhiên, theo Kant nền dân chủ “tất yếu là chế độ chuyên chê” [HBVC tr. 352, tr. 101]. Lý do cho điều này là vì nền dân chủ cung cấp tiềm lực nghèo nàn nhất cho chính quyền cộng hòa trong số ba hình thức về chủ quyền, và theo Kant là có chiều hướng mạnh nhất làm sụp đổ cả quyền lập pháp lẫn hành pháp.
Việc Kant mất tín nhiệm nền dân chủ có vẻ như mâu thuẫn với ba nguyên tắc của ông về hiến pháp cộng hòa cũng đã được trình bày trong HBVC, đó là “tự do cho tất cả các thành viên của xã hội”, “sự phụ thuộc của mọi người vào một pháp chế chung duy nhất”, và “sự bình đẳng trước luật pháp với tư cách là những công dân” [HBVC tr. 350, tr. 99]. Ông trình bày một nhóm nguyên tắc tương tự trong SHHĐL để định nghĩa công dân và trong LTTH để định nghĩa nhà nước dân sự, có pháp luật [tr. 290, tr. 74]. Tiếp theo một sự nhắc lại học thuyết về sự phân quyền giữa nhà lập pháp tối cao với các quyền hành pháp và tư pháp, ông định vị chủ quyền trong “ý chí hợp nhất của nhân dân” [SHHĐL tr. 313, tr. 125]. Mỗi công dân được tự do, bình đẳng và độc lập, mặc dù rất rõ ràng rằng có những công dân độc lập hơn những công dân khác. Kant tiếp tục phân biệt giữa những công dân thụ động và chủ động, loại công dân đầu thiếu sự độc lập, và do đó thiếu “tính nhân thân dân sự”, và kết quả là không được quyền bầu cử. Những công dân này gồm những người học nghề, những người hầu trong gia đình, những người vị thành niên, “tất cả phụ nữ”, những người buôn bán, các giáo viên, các tá điền - về cơ bản, “tất cả những người có địa vị thấp của đất nước... [những người] phải chịu sự cai quản hay sự bảo hộ của những cá nhân khác, và do đó không có quyền độc lập dân sự” [SHHĐLtr. 315, tr. 126]. Tuy nhiên, họ được bảo đảm sự tự do và bình đẳng; nhưng điều đó phỏng có giá trị gì khi thiếu vắng những quyền chính trị thì vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ.
Huỳnh Trọng Khánh dịch