Quyết định luận [Đức: Dezisionismus; Anh: Decisionism]
Yêu sách cho rằng những phán đoán giá trị, chẳng hạn trong triết học đạo đức và triết học chính trị, và những phán đoán về cái đẹp hay về giá trị của tác phẩm nghệ thuật, không dễ để có giải đáp hợp lý tính, và như vậy chỉ có thể được giải quyết thông qua những quyết định ít nhiều tuỳ tiện, dựa trên tính đột phát chủ quan (subjective caprice) (1976a, tr. 265). Nhiều tác phẩm của Habermas trong những năm 1960 có thể được xem như chủ yếu để chống lại quyết định luận, và vì vậy chứng minh rằng tranh luận hợp lý tính về những mục đích và giá trị là nền tảng cho những quyết định đạo đức và chính trị là đồng thời có thể và cần thiết.
Quyết định luận được Habermas liên hệ với thuyết thực chứng/positivism và với sự phổ biến của lý tính công cụ/instrumental reason trong xã hội tư bản chủ nghĩa/capitalist hậu kỳ. Là cách tiếp cận triết học khoa học và triết học ngôn ngữ, thuyết thực chứng cho rằng những phát biểu có ý nghĩa bị giới hạn trong những phát biểu nào có thể được kiểm chứng bằng quan sát thực nghiệm. Lý thuyết khoa học về lối vận hành của thế giới tự nhiên có thể được kiểm tra bằng việc quan sát thế giới đó và thiết lập những dữ kiện về nó. Lý thuyết khoa học tồi có thể bị loại bỏ một cách hợp lý tính, vì không có quan sát nào ủng hộ nó, và tất cả những nhà nghiên cứu có theo lý tính đều có thể tán thành với điều này. Vì thế, nhà thực chứng cho rằng những phán đoán giá trị không thể được kiểm đúng hoặc kiểm sai theo cách này. Nếu tôi nói: ‘Chế độ dân chủ là hình thức chính quyền tốt nhất’, thì không có những thực thể hay đặc tính có thể quan sát được trong thế giới để qua đó phát biểu này được kiểm chứng. Tức là, không thể nào chỉ ra được ‘sự tốt nhất’ ở trong thế giới thực cả! Giá trị không hiện hữu trong thế giới như những dữ kiện, vì chúng là những biểu đạt giản đơn về cách thức cá nhân phản ứng với thế giới. Giá trị không thể được rút ra từ sự kiện theo cách có thể được chấp nhận với mọi người. Do đó, tốt nhất, phán đoán giá trị được quy giản thành sự diễn đạt ý kiến cá nhân, cho nên ‘Chế độ dân chủ là hình thức chính quyền tốt nhất’ trở thành ‘Tôi tán thành chế độ dân chủ’, và có thể đơn giản bị bác bỏ bởi bất cứ ai sống tốt dưới chế độ độc tài. Như vậy, phán đoán đạo đức hay giá trị chính trị được nghiên cứu theo cách tương tự như sở thích cá nhân bỏ đường vào trà, hay thích kem dâu tây hơn kem vani.
Nếu thuyết thực chứng làm suy yếu việc thảo luận hợp lý tính về giá trị (và có thể lưu ý rằng nó là nhân tố góp phần vào cuộc suy tàn của đạo đức học, triết học chính trị và triết học nghệ thuật trong triết học Anh ngữ giữa thế kỷ XX), thì nó cũng làm suy yếu khả năng thảo luận hợp lý tính về mục đích hay mục tiêu tối hậu nơi những hành động của chúng ta. Những mục đích như thế đòi hỏi phán đoán giá trị, trong chừng mực mục đích được xem là đáng theo đuổi. Sự xứng đáng này được xác nhận như vấn đề đơn thuần của sở thích cá nhân. Những vấn đề duy nhất có thể được thảo luận một cách hợp lý tính là phương tiện mà qua đó ta đạt được mục tiêu ấy. Hiệu quả của phương tiện là những gì có thể được thiết lập và thẩm tra thông qua quan sát thường nghiệm.
Phản bác của Habermas đối với quyết định luận vừa bao gồm sự không thoả đáng của nó với tư cách là sự xem xét về phán đoán giá trị, lẫn những hàm ý của nó trong lĩnh vực chính trị. Habermas tin rằng, ít nhất một số giá trị nào đó có thể, và trong một xã hội công chính sẽ phải, được thảo luận một cách hợp lý tính. Trong khi ta có thể chấp nhận rằng thật không đáng để ra sức tranh luận hợp lý tính về các giá trị tương ứng của kem dâu tây và kem vani (bởi vì nếu tôi không thích vani, thì không có lý luận nào có thể thuyết phục tôi về giá trị của nó), Habermas tin rằng, thật đáng để tranh luận về giá trị tương đối của hệ thống chính trị, và ngay cả tác phẩm nghệ thuật. Những tranh luận như thế có thể chỉ xảy ra nếu ta thừa nhận rằng lý tính công cụ không phải là hình thức duy nhất của lý tính, và ta có thể biện hộ cho lập luận của mình nhiều hơn là chỉ biết viện dẫn đến các khẳng định của sự kiện thường nghiệm. Do đó, để bảo vệ nền dân chủ trước chế độ toàn trị, tôi không cần chỉ ra rằng, về mặt thường nghiệm đơn thuần, chế độ dân chủ được chứng thực là có hiệu quả hơn trong việc thực hiện một số mục tiêu theo mong muốn chủ quan (chẳng hạn, sự bền vững của năng suất kinh tế, hoặc tránh nạn đói). Trái lại, tôi có thể bắt đầu đề xướng tranh luận về việc thế nào là sống như một con người xã hội, về những khát vọng có tự do và sáng tạo, và tại sao những mục tiêu tưởng là chủ quan ấy lại là rất đáng ao ước. Bằng việc đưa ra ánh sáng những phương diện mới và bất ngờ của tồn tại cá nhân và xã hội của ta, và việc tại sao các hình thức khác nhau của tổ chức chính trị lại thiết yếu gắn liền với việc ta hiểu mình là con người, cuộc tranh luận của ta khiến ta nhìn thế giới xã hội một cách khác, khám phá các giá trị, chứ không chỉ đơn thuần khẳng định chúng một cách giáo điều.
Những hàm ý chính trị của việc chấp nhận quyết định luận có thể thấy được khi xét đến tầm quan trọng mà Habermas dành cho sức sống của tranh biện công cộng trong những xã hội công chính, và dành cho sự hình thành công luận. Bất cứ xã hội nào xem quyết định luận là điều tất nhiên sẽ có khuynh hướng bỏ rơi việc vun bồi thảo luận chính trị, và vì thế, bỏ rơi việc hình thành công luận [hay khu vực công cộng] một cách hợp lý tính, để chỉ ủng hộ việc moi móc những số liệu ô hợp của các sở thích cá nhân (ví dụ, thông qua phiếu bầu về tuyên ngôn của đảng phái, hay thông qua điều tra công cộng và thăm dò dư luận). Thực tế, nó xem điều quan trọng là những ý kiến chủ quan của những cá nhân công dân rời rạc chứ không xem trọng khả năng những ý kiến như thế có thể được sửa đổi hoặc phát triển thông qua các tranh luận hợp lý tính. Ý kiến và những biểu đạt cá nhân về sở thích chính trị sẽ bị coi như những sự thật giả định đơn thuần, tức, như những sự kiện không thể chất vấn—khiến cho việc tôi chuộng chủ nghĩa tự do hơn chủ nghĩa phát-xít sẽ giống như việc tôi chuộng kem dâu tây hơn kem vani, và đều nằm bên ngoài sự tra vấn đạo đức và tranh biện hợp lý tính, và—đáng lo ngại hơn—sở thích chính trị của tôi có thể tuân theo cùng một hình thức của sự thao túng và ảnh hưởng thông qua quảng cáo và tuyên truyền giống như sở thích ăn kem của tôi. Điều quan trọng là nếu không có thứ gì tương tự hành động Habermas trong việc bảo vệ sự tranh biện hợp lý tính và việc biện minh cho quan điểm chính trị, thì việc ưa chuộng chủ nghĩa phát-xít hơn nền dân chủ ắt cũng không sai trái gì so với việc ưa chuộng dâu tây hơn kem vani.
Thăm dò của Habermas về ý niệm khoa học giải phóng (hay khoa học khai phóng)/emancipatory science trong Knowledge and Human Interests (Nhận thức và những lợi ích hay quan tâm của con người), và về lý tính giao tiếp/communicative rationality trong tác phẩm muộn hơn (đặc biệt là ở Theory of Communicative Action [Lý thuyết về hành động giao tiếp]) có thể được xem như nỗ lực để tránh quyết định luận.
T