Thâu gồm (sự) [Đức: Subsumption; Anh: subsumption]
Xem thêm: Phán đoán xác định, Niệm thức (thuyết),
Trong PPNLPĐ, Kant mô tả phán đoán xác định là có tính chất thâu gồm trong chừng mực “cái phổ biến (quy tắc, nguyên tắc, quy luật) đã được mang lại” và “nó không cần phải nghĩ ra một quy luật cho riêng mình để có thể đặt cái đặc thù trong tự nhiên vào dưới cái phổ biến” (CJ §IV). Ông đi vào chi tiết hơn khi bàn về thuyết niệm thức trong PPLTTT. Sự thâu gồm những trực quan vào dưới các khái niệm thuần túy giống như sự áp dụng một phạm trù vào cho các hiện tượng. Điều này chỉ có thể có được nếu khái niệm và trực quan có gì đó chung, “nếu biểu tượng về đối tượng là đồng tính với khái niệm” (PPLTTT A 137/ B 176). Vì chúng không đồng tính, nên phải “có một cái thứ ba vừa một mặt, đồng tính với phạm trù, vừa mặt khác, đồng tính với hiện tượng”, tức “có hai tính chất: vừa trí tuệ, vừa cảm tính” (PPLTTT A 138/ B 177). Cái thứ ba là niệm thức siêu nghiệm mà thiếu điều kiện này thì “mọi sự thâu gồm sẽ không thể làm được vì không có gì được mang lại để có thể được thâu gồm vào trong khái niệm” (PPLTTT A 248/ B 304). Phần lớn sự bàn luận của Kant về sự thâu gồm vì thế liên quan tới quan hệ giữa những khái niệm thuần túy của giác tính với cái đa tạp; tuy nhiên, ông cũng dùng thuật ngữ này [sự thâu gồm] để mô tả những suy luận của lý tính là cái thâu gồm “điều kiện của một phán đoán có thể có vào trong điều kiện của một phán đoán đã cho” (PPLTTT A 330/ B 386).
Nguyễn Thị Thu Hà dịch