Tiên đề của trực quan (những) [Đức: Axiomen der Anschauung; Anh: axioms of intuition]
Xem thêm: Loại suy của kinh nghiệm (những), Dự đoán của trỉ giác (những), Phạm trù (các), Phán đoán, Nguyên tắc (các), Lượng, Nhất thể,
Những tiên đề này là một nhóm những nguyên tắc có vai trò như là những quy tắc cho việc sử dụng khách quan các phạm trù về lượng. Mỗi nhóm các phạm trù có những nguyên tắc tương ứng của nó, dùng để xác định các sự vật phải xuất hiện ra trong thời gian như thế nào: những nguyên tắc tương ứng với phạm trù về chất là “những dự đoán của tri giác”; những nguyên tắc tương ứng với các phạm trù về tương quan là “những loại suy của kinh nghiệm”; và những nguyên tắc tương ứng với các phạm trù về tình thái là “các định đề của tư duy thường nghiệm”. Vì kinh nghiệm của ta về thế giới không thể trực tiếp có tính phạm trù, nên ta không thể tổ chức kinh nghiệm về lượng của mình bằng những phạm trù: “nhất thể’, “đa thể” và “toàn thể”; do đó ta cần có những nguyên tắc để làm cho chúng phù hợp với những điều kiện của trực quan hữu hạn.
“Những tiên để’ và “những dự đoán” hình thành nên “các nguyên tắc toán học” đối lập với “các nguyên tắc năng động” của “các loại suy” và “các định đề”. Các nguyên tắc toán học chuyển các phạm trù thành những nguyên tắc tương ứng với sự trực quan những đối tượng trong không gian và thời gian - những đối tượng của lượng có quảng tính và lượng cường độ. Nguyên tắc chủ đạo của các tiên đề, được Kant mang đến cho chúng ta trong PPLTTT, ấn bản A (tr. 162) là: “Mọi hiện tượng, trong trực quan về chúng, là những lượng quảng tính”, và ấn bản B (tr. 202): “Mọi trực quan là những lượng có quảng tính”. Điều này có nghĩa rằng một hiện tượng không thể trở thành một đối tượng của trực quan trừ phi nó có một lượng quảng tính: lượng có quảng tính là một điều kiện của cả kinh nghiệm lẫn của mọi đối tượng của kinh nghiệm. Kant mô tả lượng bằng quá trình vận động từ cái đơn vị hay một “biểu tượng về một bộ phận” qua cái đa thể suốt cả một giai đoạn thời gian, đến khi đạt được cái toàn thể hay một tổng thể vào cuối giai đoạn thời gian. Ông đưa ra ví dụ về việc cấu tạo nên đường thẳng hình học diễn tiến qua thời gian, từ một điểm sang một đa thể các điểm, cho đến một đường thẳng (PPLTTT A 162/B 203).
Cùng với toàn bộ các nguyên tắc của Kant, các tiên đề đảo ngược những thuộc tính mô thức của hữu thể thành những nguyên tắc được xác định về mặt không gian và thời gian của những hiện tượng. Cho nên môn “toán học về không gian (môn hình học)” được đặt cơ sở trên “sự tổng hợp tiếp diễn của trí tưởng tượng tác tạo” (PPLTTT A 162/B 203), là cái diễn tiến từ nhất thể tại một thời điểm, rồi đến cái đa thể, và cuối cùng đến cái toàn thể vào cuối một quãng thời gian. Thậm chí sự duy trì của nhất thể qua thời gian đòi hỏi phải có một sự tổng hợp tiếp diễn, mà nếu không có nó thì nhất thể ắt sẽ chịu một sự thay đổi không thể chấp nhận về chất - nó ắt ngay lập tức không còn tồn tại và biến thành một cái khác. Những đối tượng của môn hình học là sản phẩm của việc vẽ hình này qua thời gian, như là những con số và phép tính cộng số học. Những phép cộng nói lên sự ổn định hay sự biến đổi về lượng được hoàn tất bằng một sự tổng hợp của trí tưởng tượng xuyên qua thời gian.
Kant kết luận bằng tuyên bố rằng “sự tổng hợp về những không gian và thời gian” - sự sản sinh ra lượng có quảng tính qua sự vận động từ nhất thể sang đa thể và đến toàn thể - “là cái làm cho sự lĩnh hội về hiện tượng, cũng như cho mọi kinh nghiệm ở bên ngoài, tức cho toàn bộ nhận thức về đối tượng của kinh nghiệm có thể có được” (PPLTTT A 165/B 206). Sự tổng hợp này làm cho các tiên đề phù hợp với “nguyên tắc phổ biến” của cả bốn nhóm nguyên tắc, nghĩa là: những điều kiện cho kinh nghiệm cũng là những điều kiện cho các đối tượng của kinh nghiệm.
Đinh Hồng Phúc dịch