Quyền/Pháp quyền/Pháp luật [Latinh: ius; Đức: Recht, Rechte; Anh: right/rights]
Xem thêm: Sở đắc, Cấu tạo, Khế ước, Tự do, Luật học, Công bằng, Quy luật, Quyền tự nhiên, Trước tác chính trị, Nhà nước,
Trong LTTH, Kant định nghĩa pháp quyền nói chung như “sự hạn chế sự tự do của mỗi cá nhân sao cho nó hài hòa với sự tự do của mọi người khác” (tr. 73), và trong SHHĐL, ông phân biệt giữa các loại quyền khác nhau vốn nảy sinh từ định nghĩa chung này. Sự phân biệt chính yếu của Kant là giữa a) các quyền tự nhiên dựa trên các cơ sở tiên nghiệm và b) các quyền thực định (hiến định) vốn “nảy sinh từ ý chí của một nhà lập pháp” (SHHĐL, tr. 237, tr. 63). Sự phân biệt “có tính học thuyết” này được tiếp tục bằng một sự phân biệt được trình bày dựa theo các năng lực luân lý giữa a) các quyền “tự nhiên” thuộc về mọi người bởi tự nhiên; và b) các quyền sở đắc đòi hỏi phải có một hành vi xác lập chúng. Tuy nhiên, những sự phân biệt này đều phụ thuộc vào sự phân biệt pháp lý giữa các quyền tư pháp và quyền công pháp, hay các quyền được xác lập giữa các cá nhân với các quyền được xác lập giữa cá nhân và nhà nước. Kant mô tả cái trước như riêng có đối với một “trạng thái của tự nhiên” và cái sau như riêng có đối với nhà nước dân sự. Do đó, phần đầu của cuốn SHHĐL bàn về “Các Nguyên tắc siêu hình học đệ nhất của Học thuyết về Pháp Quyền” được chia thành những mục bàn về tư pháp và công pháp, về tư pháp, trước hết Kant bàn về khái niệm quyền đối với cái gì đó bên ngoài, sau đó là về các phương cách sở đắc những quyền ấy, bằng sự sở đắc nguyên thủy hoặc bằng khế ước. Mặc dù chi tiết của lập luận của ông thường tối tăm và mâu thuẫn hiển nhiên, nhưng dường như ông muốn gợi ý rằng các quyền đối với sự vật (in re) là một loại quyền giữa các nhân thân (in personam). Ông đảo ngược sự nhấn mạnh này khi bàn về các quyền nằm trong hôn nhân, dòng dõi và của “người chủ gia đình”; vì những điều này, ông phát triển “các quyền đối với các nhân thân gần gũi với các quyền đối với các sự vật”. Về công pháp, Kant xem xét pháp quyền nội bộ của một nhà nước, quyền của các quốc gia và quyền của công dân thế giới, tất cả bên trong ngữ cảnh lập luận chính trị rộng hơn của ông về một nhà nước và hiến pháp “cộng hòa”.
Châu Văn Ninh dịch