Xác định/Quy định (sự) [Đức: Bestimmung; Anh: determination]
Xem thêm: Tuyệt đối, Cơ sở/Căn cứ, Logic học, Thuộc tínli/VỊ từ, Chủ thể/Chủ từ, Thần học,
Kant bàn đến sự xác định lần đầu tiên trong bối cảnh ông phê phán về Wolff trong NTĐT. Ông định nghĩa nó như là việc “khẳng định một thuộc tính và loại trừ cái đối lập của nó” (NTĐT, tr. 391, tr. 11). Từ đó ông tiếp tục định nghĩa một cơ sở hay một lý do (ratio), như là “cái gì xác định một chủ thể bằng một trong những thuộc tính của nó”, cho thấy rằng sự xác định liên quan đến quan hệ logic giữa một chủ thể và thuộc tính. Một số mối quan hệ giữa chủ thể và thuộc tính xác định tại sao một chủ thể đặc thù lại tồn tại như nó đang tồn tại, và những mối quan hệ đó được Kant gọi là những cơ sở/lý do xác định một cách tiền kiện (antecedently); những mối quan hệ khác xác định rằng một chủ thể là như chính nó, và đó là những cơ sở/lý do xác định một cách hậu kiện (consequently). Lấy một ví dụ, trọng lực thì quy định cơ sở/ lý do tiền kiện cho các quỹ đạo của các hành tinh - nó giải thích tại sao chúng là như thế, trong khi đó, cơ sở/lý do cho thấy chúng là như thế thì lại được quy định một cách hậu kiện bởi khối lượng kết hợp giữa mặt trời và các hành tinh với nhau. Mục đích của sự phân biệt này là nhằm phê phán định nghĩa của Wolff về cơ sở/lý do như cái gì nhờ đó ta hiểu tại sao một sự vật lại tồn tại chứ không phải không tồn tại. Như thế, theo Kant, sự xác định mang lại một cơ sở/lý do không chỉ cho việc tại sao một cái gì đó tồn tại mà còn là tại sao nó lại tồn tại theo cách này chứ không phải theo bất cứ phương thức nào khác.
Sự xác định tái hiện trong PPLTTT dưới lớp vỏ của ý thể siêu nghiệm. Ở đây Kant bổ sung nghiên cứu của Wolff về sự xác định dựa theo nguyên tắc mâu thuẫn bằng “sự xác định hoàn chỉnh”. Theo nguyên tắc thứ nhất hay “nguyên tắc về tính có thể được xác định”, tức là “trong bất kì hai thuộc tính đối lập mâu thuẫn nhau nào, cũng chỉ có một thuộc tính là có thể thuộc về khái niệm” (PPLTTT A 571/ B 599). Theo nguyên tắc thứ hai về “sự xác định hoàn chỉnh” chi phối khả thể của các sự vật “nếu tất cả mọi thuộc tính có thể có của sự vật được gộp chung lại với nhau, kể cả những cái đối lập mâu thuẫn, thì chỉ có một thuộc tính trong mỗi cặp đối lập mâu thuẫn này là phải thuộc về sự vật mà thôi” (PPTTTT A 572/B 600). Điều này có nghĩa là mỗi sự vật được quy định không chỉ dựa vào các mối quan hệ của nó với những thuộc tính mâu thuẫn (chẳng hạn nếu như một sự vật là có màu sắc thì không thể là không có màu sắc) mà còn dựa vào “tổng số toàn bộ mọi thuộc tính của sự vật”. Cái sau là một điều kiện tiên nghiệm giữ vai trò là hậu cảnh cho sự xác định những sự vật đặc thù với những thuộc tính đặc thù. Vì thế sự khẳng định và phủ định về các thuộc tính không chỉ bị chi phối bởi những cái đối lập của chúng, mà còn bởi tổng số mọi thuộc tính khả hữu khác nữa. Kant nhận ra sự xác định như thế có thể chấp nhận nếu tổng số của những thuộc tính khả hữu được thừa nhận là lĩnh vực của những hiện tượng được các phạm trù cấu tạo nên, đó là, “toàn cảnh của kinh nghiệm khả hữu” (PPTTTT A 582/B 610); tuy nhiên, nó không thể được chấp nhận, và sẽ mang tính cách “biện chứng” [lừa dối] nếu nó bị hữu thể hóa [hypostatized] thành một cái ens realissimum, hữu thể có tất cả tính thực tại (sđd).
Nghiên cứu của Kant về sự xác định được Hegel phát triển xa hơn, ông dùng nó để giải thể tính cố định cứng nhắc của những quy định cá biệt.
Không chỉ những thuộc tính chỉ có thể được suy tưởng trong ngữ cảnh của các mặt đối lập của chính chúng, mà bản thân sự đối lập này cũng chỉ có thể được suy tưởng trong quan hệ với cái tuyệt đối (Hegel, 1812, “Lời tựa”). Một quan niệm về sự phủ định nhất định cũng được Adorno phát triển ở thế kỷ XX trong Phép biện chứng phủ định (1966), tuy nhiên, phiên bản của ông tự hạn chế vào việc khám phá sự quy định lẫn nhau của những thuộc tính đối lập trong khi từ bỏ việc có thể đặt chúng trong quan hệ với cái tuyệt đối hay với tổng số những thuộc tính khả hữu.
Cù Ngọc Phương dịch