Tương tự (sự)/Loại suy [Hy Lạp: analogon; Latinh: proportio, ratio; Đức: Analogie; Anh: analogy]
Xem thêm: Loại suy của kinh nghiệm, Như thể, Cảm tính hóa, Trình bày, Lý tính, Ý niệm điều hành, Niệm thức (thuyết),
Là một thuật ngữ nền tảng của triết học, “sự tương tự” (loại suy) có một lịch sử liên tục nếu không nói là được đánh giá thấp kể từ thời Pythagoras. Một lý thuyết tổng quát về sự tương tự đã được Eudoxus (?406 - 355 ten) lần đầu tiên phát triển nhằm phản ứng lại sự khủng hoảng của các tỷ lệ bất khả ước (logoii) mà các nhà Pythagoras đã đối mặt. Việc vượt qua sự khủng hoảng thời kỳ đầu này của lý tính Hy Lạp (logos) được đúc kết trong các định nghĩa về logos và analogos trong quyển thứ năm trong bộ Elements của Euclides. Các định nghĩa này đã xác định sự tương tự dựa theo tính giống nhau giữa các tỷ lệ của các đại lượng khác nhau, như trong định nghĩa 6: “Ta gọi các đại lượng có cùng tỷ lệ như nhau là tương tự” (Euclid, tập II, tr. 114). Euclides đưa ra một sự phân biệt rõ ràng giữa một sự tương tự của các hạn từ và một sự tương tự của các tỷ lệ, [và] tập trung chú ý vào cái sau. Kết quả là, nghiên cứu của ông về sự tương tự nhấn mạnh đến tính giống nhau trong mối quan hệ giữa các hạn từ trước và hạn từ sau của tối thiểu ba tỷ lệ, chứ không phải sự giống nhau giữa chính bản thân các hạn từ.
Các hàm ý triết học về tính giống nhau có tính cách tương tự (loại suy) được Aristoteles nhận ra trước hết, ông chỉ ra trong cuốn Topika làm thế nào tính giống nhau ấy có thể được sử dụng để liên kết “các sự vật thuộc về các loài khác nhau, được diễn đạt bằng công thức “A:B = C:D” (chẳng hạn, giống như nhận thức quan hệ với đối tượng nhận thức, thì cảm giác cũng quan hệ với đối tượng của cảm giác như thế)” (Aristoteles, 1941, 108a, 7-8). Ông tiếp tục mở rộng hình thức lập luận này trong Siêu hình học (1017a), Đạo đức học (1096b) và Chính trị học (1296b).
Các nguồn gốc của sự tương tự với tư cách là một phần bổ sung cho lý tính còn đặc trưng hóa sự phát triển về sau của nó. Chẳng hạn, nó đóng vai trò cốt yếu đối với thần học triết học của Aquinas, ở đó nó bù đắp cho sự bất lực của lý tính con người trong việc hiểu Thượng đế. Trong khi sự tham dự của Thượng đế vào sự sáng tạo không thể được lý tính (logos) con người nắm bắt được, thì nó có thể được hiểu một cách loại suy dựa vào mối quan hệ giữa nhận thức và hành động của con người và của thần thánh. Các trước tác của Kant về chủ đề sự tương tự hầu như hoàn toàn dính vào các câu hỏi thần học tương tự, và có thể được xem như những sự xác quyết triết học về các hình thức lập luận phù hợp cho việc suy tưởng về cái siêu-cảm tính.
Trong khi Kant không phủ nhận giá trị của lập luận loại suy, ông quan tâm đến việc giới hạn sự sử dụng nó bên trong những ranh giới được xác định rõ ràng. Sự giống nhau có tính cách loại suy là một phần bổ sung quan trọng cho sự đồng nhất logic, nhưng nó phải không được sử dụng một cách lén lút như một cái thay thế cho nó. Trong ST (§§57 - 58) và trong PPNTPĐ (§59), ông đối lập phán đoán có tính cách biểu trưng/loại suy với phán đoán có tính sơ đồ/ logic. Các phán đoán logic liên quan đến sự diễn đạt trực tiếp một khái niệm cho một đối tượng của trực quan, trong khi các phán đoán loại suy áp dụng “quy tắc đơn thuần của sự phản tư của nó về trực quan này vào cho một đối tượng hoàn toàn khác” (PPNLPĐ §59). Đây là một sự giới hạn kinh điển về phạm vi của sự tưong tự vào mối quan hệ giữa các hạn từ, chứ không phải chính bản thân các hạn từ: đối với Kant, nhận thức bằng sự loại suy “không biểu thị (như cách hiểu thông thường) một sự giống nhau không hoàn hảo giữa hai sự vật, mà biểu thị một sự giống nhau hoàn hảo giữa các mỗi quan hệ giữa hai sự vật hoàn toàn khác nhau” (SL §58).
Sự tưong tự (loại suy) được sử dụng một cách chính đáng để đạt được “nhận thức về tưong quan” chứ không phải là nhận thức khách quan, và đối tượng chính của nhận thức về tưong quan này là Thượng đế. Hoàn toàn chính đáng khi lập luận bằng loại suy về Thượng đế theo một cách thức “như sự thúc đẩy phúc lợi cho trẻ em (=a) là do tình yêu của cha mẹ (=b), nên hạnh phúc của loài người (=c) là do cái gì đó không thể biết được nổi Thượng đế (=x) mà ta gọi là tình yêu thưong”, nếu ta nhìn nhận rằng luận cứ [loại suy] này chỉ “có giá trị đối với ta thôi, dù ta không có bất kỳ điều gì để có thể xác định nó một cách tuyệt đối và tự thân cả” (ST §58). Trong lập luận ấy, tuy chúng ta nói về bản thân đối tượng, nhưng chỉ theo một cách thức để làm cho nó trở nên dễ hiểu đối với chúng ta.
Kant phát triển tư tưởng này trong TG bằng cách bỏ đi sự phân biệt giữa các phưong thức có tính biểu trưng và có tính Sổ đồ trong phán đoán và xem các quy định khách quan lẫn các quy định có tính loại suy đều là những hình thức của thuyết niệm thức. Trong khi việc chuyển từ cái cảm tính đến cái siêu-cảm tính cho phép ta “niệm thức hóa (tức là đưa ra một khái niệm khả niệm bằng sự giúp đỡ của một sự tưong tự với cái gì đó khả giác), thì ta tuyệt nhiên không được phép suy diễn [từ cái cảm tính ra cái siêu cảm tính]” (TG tr. 65, tr. 59). Ta không thể suy luận từ sự tưong tự để biến một khái niệm như Thượng đế trở nên có thể hiểu được đối với ta thành kết luận rằng “niệm thức này tất yếu phải thuộc về chính bản thân đối tượng như là vị từ của nó” (TG tr. 65, tr. 59). Việc sử dụng sự loại suy để nói về cái siêu-cảm tính là chính đáng, nhưng không được sử dụng nó như thể nó mang lại cho ta nhận thức khách quan; ta được phép sử dụng nó như một sự trợ giúp cho sự tự-nhận thức của con người, nhưng không được dùng nó như một nguồn suối của nhận thức khách quan về các đối tượng như Thượng đế, Vũ trụ và Linh hồn.
Kant cũng bàn đến sự tương tự trong cuốn L, phân biệt giữa các kết luận quy nạp và kết luận loại suy đối với các phán đoán, mặc dù bàn luận của ông ở đây phần lớn phái sinh từ Baumgarten. Sau Kant, việc lập luận bằng loại suy có vẻ được giới hạn vào thần học, với kết quả là đánh mất đi sự tinh tế về phần lý giải của Kant đối với vai trò của lập luận bằng sự tương tự trong triết học phê phán. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu của một sự khôi phục lại sự tinh tế đối với vấn đề này trong các trước tác và trong các bình luận về Kant của Derrida (1978) và Lyotard (1983). Có vẻ như một sự đánh giá cao hơn về vai trò của lập luận bằng loại suy nơi Kant sẽ không những làm sáng tỏ một số vấn đề trong sự lý giải của Kant - nhất là về “đối tượng siêu nghiệm = X” - mà còn giúp ta hiểu biết sâu hơn về cấu trúc của “lập luận kiểu Kant”.
Trần Kỳ Đồng dịch