Chiến tranh [Đức: Krieg; Anh: war]
Xem thêm: Tranh cãi, Liên hiệp các Quốc gia, Hòa Bình (nền), Nhà nước,
Trong SHHĐL, Kant mô tả mỗi quốc gia “quan hệ với quốc gia khác trong trạng thái tự do tự nhiên và do đó, trong một trạng thái chiến tranh không dứt” (tr. 343, tr. 150). Quyền hạn của các quốc gia này đối với nhau liên quan đến việc tiến hành chiến tranh, hành động trong chiến tranh và quyền hạn sau chiến tranh “nhằm cưỡng chế lẫn nhau để thoát khỏi trạng thái chiến tranh này và từ đấy hình thành một hiến chế, và hiến chế này sẽ xác lập nền hòa bình lâu dài” (tr. 343, tr. 150; xem thêm HBVC). Với Kant, chiến tranh là phương tiện để quốc gia thực thi quyền hạn của mình đối với các quốc gia khác bằng sức mạnh của mình. Lý do để một quốc gia tiến hành chiến tranh không chỉ bao gồm việc quốc gia khác chủ động vi phạm như “sự gây hấn trước” hay “việc một nhà nước cho mình có quyền nhận được sự đền đáp thỏa đáng [từ nhà nước khác] vì nhân dân của một nước khác đã gây ra tội chống lại nhân dân của mình” (SHHĐL tr. 346, tr. 153), mà còn do nước khác hăm dọa gây chiến. Điều này bao gồm việc nước khác chuẩn bị hành động thù địch hay thậm chí “tăng cường sức mạnh một cách đáng lo ngại” (sđd.). Quyền hạn của một quốc gia trong lúc lâm chiến bao gồm việc sử dụng bất cứ phương tiện phòng vệ nào ngoại trừ những phương tiện “tước đi quyền công dân của người dân”, và những phương tiện “sẽ hủy hoại sự tín nhiệm cần thiết cho việc xác lập một nền hòa bình trường cửu trong tương lai”, chẳng hạn như những chủ định dùng người dân của mình vào hoạt động gián điệp, ám sát, và loan truyền những tin đồn thất thiệt (tr. 346, tr. 154). Khi tiến hành chiến tranh, nó được phép “đòi kẻ thù cung ứng quân nhu và các đảm phụ quốc phòng”, nhưng không được cướp bóc nhân dân, vì với Kant, nhân dân và nhà nước không phải là một. Kant xem chiến tranh là nguồn gốc của “những tội ác lớn nhất đè nặng lên các quốc gia văn minh” (PĐ tr. 121, tr. 231), và chiến tranh trên thực tế không nhiều như “sự chuẩn bị không ngừng và thực sự ngày càng tăng cho cuộc chiến tranh trong tương lai” (sđd.ỵ Ông lưu ý, như là đã lường thấy trước điều này, rằng mọi “nguồn lực của nhà nước, và toàn bộ những thành quả của nền văn hóa lẽ ra phải được dùng để tăng tiến văn hóa thì lại được hiến dâng cho mục đích này”, với kết quả đáng buồn cần phải nói thêm là “sự tự do vẫn mang thân phận rất nhọc nhằn tại nhiều nơi [trên thế giới]” (PĐ tr. 121, tr. 232).
Lê Quang Hồ dịch