Dụng hành phổ quát (thuyết) [Đức: Universalpragmatik; Anh: Universal pragmatics]
Lý thuyết về các kỹ năng và năng lực mà con người cần để có thể giao tiếp. Theo Habermas, sự tái thiết những năng lực như thế còn cung cấp sự giải thích làm thế nào con người tạo ra và duy trì cơ cấu của đời sống hàng ngày. Ông đề xuất cương lĩnh về thuyết dụng hành phổ quát vào những năm đầu 1970 (Habermas, 1976e; 1979a, tr. 1–68; 2001c), và dưới tên gọi được sửa lại của ‘thuyết dụng hành hình thức’ (formal pragmatics) tiếp tục đặt nền tảng công trình của mình trong lý thuyết xã hội (1984a; 1987), đạo đức học (1990) và triết học về chính trị và luật pháp (1996).
Thuyết dụng hành phổ quát là ví dụ của cái mà Habermas gọi là khoa học tái thiết/recontructive science. Tức là ông tìm cách tái thiết các quy tắc mà các tác nhân có năng lực phải tuân theo để giao tiếp với nhau, mặc dù bản thân tác nhân không cần có ý thức về các quy tắc mà chính họ đang tuân theo. Mô hình cho nghiên cứu của Habermas được nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky cung cấp (Habermas, 2001c, tr. 68). Chomsky quan tâm đến các quy tắc mà các tác nhân phải tuân theo để có thể sử dụng ngôn ngữ một cách thành thạo, chẳng hạn trong việc diễn đạt các câu đúng và có nghĩa. Chomsky không quan tâm đến các quy tắc ngữ pháp của một ngôn ngữ đặc thù, chẳng hạn như tiếng Đức hay tiếng Wales, mà thay vào đó quan tâm đến tập các quy tắc có chiều sâu hơn, chung cho tất cả mọi ngôn ngữ. Chomsky lập luận rằng, ‘ngữ pháp sâu’ (deep grammar) này là tập các quy tắc mà mọi người nói có năng lực bẩm sinh có khả năng để tuân theo. Chính năng lực này cho phép các cá nhân học và sử dụng bất cứ ngôn ngữ nào.
Habermas không bận tâm về năng lực ngôn ngữ của Chomsky, mà là về năng lực giao tiếp rộng hơn. Trong khi Chomsky quan tâm đến việc thành lập câu, và do vậy có thể coi như tập trung lên các câu tạo nên các khẳng định về cách thức thế giới tồn tại như thế nào, thì Habermas quan tâm đến các lời nói. Tức là, Habermas thừa nhận rằng ngôn ngữ được sử dụng nhiều hơn là chỉ truyền đạt các sự kiện hay ý kiến về thế giới. Đúng hơn, ngôn ngữ được sử dụng để thiết lập các quan hệ xã hội với những người khác, chẳng hạn bằng cách đặt các câu hỏi hay đưa ra các mệnh lệnh (xem hành động phát ngôn/speech acts). Ở lời nói, người phát ngôn sử dụng câu trong ngữ cảnh đặc thù, đối với những người nghe đặc thù, để đạt được kết quả đặc thù. Do đó, mối quan tâm của thuyết dụng hành phổ quát là khả năng, không chỉ để hình thành nên các câu có nghĩa, mà đúng ra là móc nối những người khác nhau trong cuộc tương tác, dựa vào ý thức về môi trường văn hoá và vật lý mà trong đó họ hành động để bắt đầu sự giao tiếp và để sửa chữa những đổ vỡ trong sự giao tiếp.
Sự giao tiếp có thể được hiểu như là quá trình trong đó hai hay nhiều người đi đến chỗ chia sẻ cái nhìn về thế giới, hay ít nhất là nhận ra các phương diện của thế giới chung mà họ không đồng ý về. Đây có thể là hoạt động khó khăn và tốn thời gian. Habermas nhận diện bốn điều kiện mà tất cả mọi người tham gia vào sự giao tiếp phải cố gắng đảm bảo, nếu giao tiếp đó muốn thành công và tiếp tục. Đầu tiên, tất cả mọi người phải có khả năng chia sẻ cách hiểu về thế giới thuộc về họ. Do đó, họ phải có khả năng thảo luận các sự kiện của thế giới vật lý và văn hoá. Do vậy, nếu tôi nói với bạn rằng: trời đẹp, bạn phải có khả năng hiểu những gì tôi đang đề cập, và có khả năng hiểu sự đánh giá tôi đang tạo ra (ngay cả nếu bạn tình cờ không đồng ý với tôi). Tiếp theo, chính vì trong việc tạo ra lời nói tôi sẽ bắt đầu mối quan hệ xã hội, nên tất cả mọi người cần phải đồng ý rằng tôi có quyền nói những gì tôi đang nói. Nó chính là điều nói với bạn rằng: trời đẹp, hay thậm chí để tán gẫu với nhân viên cửa hàng khi tôi chờ lấy lại tiền lẻ, nhưng để dừng một người lạ trên phố và truyền đạt thông tin này thì có thể làm nảy sinh những nghi ngờ. Điều này minh chứng cho thực tế rằng sự giao tiếp không chỉ là về cách sử dụng đúng từ ngữ, hay thậm chí nói điều gì đó mà bản thân nó mạch lạc và có ý nghĩa. Bạn nói khi nào và ở đâu mới là quan trọng. Đôi khi những lời nói nhất định là không thích hợp hay đơn giản là bị cấm đoán về văn hoá (chẳng hạn, tìm cách bắt đầu hội thoại với thính giả khác trong buổi hoà nhạc cổ điển). Thứ ba, Habermas nhìn nhận rằng không phải tất cả lời nói nhất thiết phải được tạo nên một cách trung thực. Đôi khi tôi sẽ nói khoác, mỉa mai hay đơn giản là nói dối. Nếu điều này không được nhận ra bởi người nghe của tôi, sự giao tiếp được duy trì sẽ trở nên rất có vấn đề, và có thể lúng túng. Cuối cùng, những gì được nói phải có nghĩa. Tất cả mọi người phải chia sẻ cùng một ngôn ngữ, và nhận ra đủ các thành ngữ chung để duy trì sự giao tiếp. Ít nhất, nếu tôi nói điều gì đó mà bạn không hiểu, để giữ cho sự giao tiếp tiếp tục tôi cần phải có khả năng nói lại theo cách khác để bạn có thể hiểu.
Habermas tóm tắt tất cả điều này bằng những gì ông gọi là các yêu sách về giá trị hiệu lực/validity claims. Khi tôi nói bất cứ điều gì, thì tôi đang tạo ra các giả định ít nhiều ngầm ẩn về bản chất của thế giới xung quanh, quyền được nói, trạng thái chủ quan của tôi, và sự nhất quán của những gì tôi đang nói. Tương tự, những người nghe tôi giả định, trừ khi có bằng chứng hiển nhiên trái ngược, rằng tôi đúng trong những giả định của mình về thế giới, rằng tôi có quyền nói, rằng tôi trung thực, và rằng những gì tôi đã nói là có nghĩa. Nếu những giả định này không được tạo ra, sự giao tiếp và sự tương tác không thể tiếp tục. Tôi không thể tương tác với ai đó nếu tôi giả định rằng, chẳng hạn, người đó quen thói nói dối. Sự hoài nghi nghiêm ngặt như vậy về những động cơ của cá nhân khác này sẽ đơn giản làm cho tôi không thể tạo nên ý nghĩa của bất cứ điều gì người đó nói, bởi vì tôi không thể tin nó. Do đó, chúng ta đi vào sự giao tiếp với sự hồn nhiên khá có chủ tâm. Những người mà chúng ta giao tiếp được hưởng lợi từ sự nghi ngờ, cho đến khi chúng ta có lý do tốt cho sự nghi ngờ đó.
Tóm lại, chủ đề của bốn yêu sách về giá trị hiệu lực là: chân lý/truth, sự đúng đắn, sự trung thực/truthfulness và ý nghĩa/meaning, và khi nói thì tôi ít nhất ngầm hứa hẹn là mình có thể biện minh cho những gì tôi nói và làm, nếu bị thách thức, về bất cứ đề tài nào trong bốn đề tài này. Sự hứa hẹn hồi đáp, một cách hợp lý và thuyết phục, với thách thức chính là những gì giữ cho sự giao tiếp, và sự tương tác đặc thù này tiếp tục. (Một lần nữa, nếu tôi nghi ngờ ai đó là người hay nói dối theo thói quen, tôi sẽ không nhìn nhận bất cứ lời hứa nào của người ấy.)
Hãy xem xét kịch bản sau đây. Tôi hứa gặp bạn ở quán cà-phê thư viện lúc năm giờ. Mặc dù đây là lời hứa, và không phải là phát biểu công khai về thế giới, nhưng tôi vẫn đang tạo ra chuỗi đầy đủ các giả định về thế giới tồn tại như thế nào, và thêm nữa tôi đang giả định rằng bạn chia sẻ chúng với tôi. Chẳng hạn, tôi giả định rằng quán cà-phê thư viện vẫn mở cửa lúc năm giờ, và bạn có thể thách thức tôi về thực tế này. Ở đây lời hứa của tôi hẳn sẽ thất bại trong việc nỗ lực duy trì mối tương tác xã hội. Kỳ cùng, chúng tôi không chia sẻ cách nhìn tương đối giống nhau về thế giới. Tuy nhiên, sự giao tiếp và sự tương tác đi kèm có thể dễ dàng sửa chữa bằng việc thoả thuận gặp ở nơi khác. Dù vậy có thể có nhiều vấn đề hơn. Bạn có thể thách thức quyền của tôi cho việc đưa ra lời hứa như thế. Có thể tôi không rảnh rỗi vào thời gian đó. Tôi quên rằng tôi đã hứa gặp ai đó khác lúc năm giờ, hay tôi vẫn còn làm việc lúc năm giờ. Ở đây tôi có thể có khả năng trả lời rằng cuộc hẹn khác của tôi đã bị hủy, hay tôi tan sở sớm hơn vào các ngày thứ Sáu. Đây là lời đáp có lý, biện minh cho lời hứa mà tôi đang đưa ra và quyền để tôi lập lời hứa ấy. Có thể tình huống tồi tệ nhất xảy ra nếu bạn đáp lại rằng tôi không bao giờ giữ lời hứa, và tuần trước bạn đã đợi tôi 30 phút và tôi vẫn không đến. Tôi bị buộc tội thiếu thành thật. Trong khi tôi có thể quả quyết là vô tội (có điều gì đó không lường trước đã xuất hiện: tàu bị hỏng; tôi bị thủng lốp xe; v.v.), tôi có thể vẫn nói dối. Kỳ cùng, sự ngay thật hay sự trung thực của tôi được thiết lập chỉ nếu hành vi tương lai của tôi được xem là nhất quán với lời nói (sao cho tôi giữ lời hứa, và những gì tôi nói về tàu bị hỏng được chứng minh là đúng). Cuối cùng, bạn có thể chỉ nghe lầm lời tôi; những gì tôi nói có thể mơ hồ; hay tôi có thể nói nhịu và nhầm lẫn từ ngữ. Tiếp theo bạn có thể yêu cầu tôi nhắc lại, để nói lại một cách khác hay làm rõ những gì tôi đang nói. Thực tế, khi công trình của ông về thuyết dụng hành phổ quát tiếp tục, Habermas mất sự quan tâm với ý nghĩa như là yêu sách về giá trị hiệu lực, và ngôn ngữ chia sẻ được xem rất hiển nhiên.
Habermas lập luận rằng người giao tiếp có năng lực có khả năng thách thức và biện minh (hay ‘bù đắp’) mỗi loại trong bốn yêu sách về giá trị hiệu lực. Đây là kỹ năng chung hoặc kỹ năng hình thức mà tôi phải có để là một tác nhân xã hội có năng lực. Thêm nữa, như ví dụ trên bắt đầu gợi ý, để thực hành kỹ năng này, tôi còn phải có khả năng rút ra các giả định văn hoá có chung giữa bản thân mình và những người tôi tương tác (để chúng ta cùng nhau rút ra những gì Habermas gọi là thế giới đời sống/lifeworld). Tệ nhất, chúng ta phải có khả năng nhận ra khi nào chúng ta không chia sẻ những giả định chung, và do đó bắt đầu chia sẻ chúng, đưa các giả định của chúng ta đến chỗ hài hoà với nhau. Bản thân Habermas đưa ra ví dụ sống động về người công nhân mới trên công trường xây dựng được kêu đi lấy bia cho lúc giải lao buổi sáng. Yêu cầu đó từ người công nhân lớn tuổi hơn dựa trên chuỗi các giả định về địa lý địa phương (chẳng hạn, có cửa hàng bán bia rượu được cấp phép ở gần đó), thứ bậc của công trường xây dựng (chẳng hạn, ông ta có quyền yêu cầu công nhân trẻ hơn thực hiện các công việc trà nước), cũng như tính ngay thật của ông ta (có bao nhiêu người mới đã được điều đến để đòi có tuốc-nơ-vít dùng tay trái?), và họ nói cùng ngôn ngữ (người công nhân trẻ có thể là lao động nước ngoài chỉ biết tiếng Đức hạn chế) (Habermas, 1987, tr. 121ff). Những đổ vỡ trong sự giao tiếp phơi bày các giả định riêng mà chúng ta không chia sẻ. Có thể có nhiều điều khác mà chúng ta không thể đồng ý, và nó có thể gây hỗn loạn các tương tác tương lai, nhưng trong thực tế chúng ta sẽ chỉ lo lắng về những điều quan trọng với sự tương tác đặc thù này. Chúng ta có thể sử dụng các kỹ năng và các đơn vị của nhận thức mà chúng ta chia sẻ để hàn gắn những đổ vỡ riêng trong sự giao tiếp. Hiếm khi mọi thứ chúng ta coi là hiển nhiên bị đem ra nghi ngờ trong một mối tương tác duy nhất, cho dù những bất đồng và nhầm lẫn của chúng ta có sâu thẳm đến đâu.
Đọc thêm: Thompson 1981; Cooke 1994; Nussbaum 1998; Zinkin 1998; Swindal 1999.
Dụng hành hình thức (thuyết) [Đức: Formale Pragmatik, Universalpragmatik; Anh: Formal pragmatics] ] Universal pragmatics/Dụng hành phổ quát (thuyết)