Tự trị (sự) [Đức: Autonomie; Anh: autonomy]
Xem thêm: Mệnh lệnh nhất quyết, Yêu cầu, Tự do, Tự khởi (tính), Ý chí,
Ý hệ cận đại sơ kỳ về sự tự trị chính trị do Machiavelli khai triển trong Các luận văn (Discourses, 1531) đã kết hợp hai nghĩa của sự tự trị: thứ nhất là thoát khỏi sự lệ thuộc, thứ hai là năng lực tự ban bố luật lệ. Các phương diện chính trị của sự tự trị được phát triển trong bối cảnh của các Nhà nước-đô thị cận đại thời kỳ đầu đã được Luther bổ sung thêm vào cho đời sống tinh thần trong công trình của ông: Sự tự do của một Kitô hữu (1520). Đối với ông, sự tự trị như là sự tự do thoát khỏi tình trạng lệ thuộc được dịch thành “sự tự do - tâm linh, mới mẻ, và nội tại - của con người thoát khỏi thể xác và các xu hướng của nó cũng như sự tự do tuân theo luật của Thiên chúa” (Luther, 1961, tr. 53). Nghiên cứu của Kant về sự tự trị trong triết học thực hành của ông, đến lượt nó, đánh dấu một sự hoán vị triết học và sự phê phán về sự tự trị tôn giáo của Luther thành sự tự trị luân lý.
Triết học thực hành của Kant nối kết hai phương diện của sự tự trị trong một nghiên cứu về sự quy định của ý chí. Lập trường của ông nảy sinh từ sự phê phán một số viễn tượng thịnh hành thời bấy giờ. Những điều này bao gồm cả sự đối lập tiền-phê phán của ông đối với những nghiên cứu về hành vi luân lý do nghiên cứu của phái hoàn hảo luận duy lý thống trị trong trường phái Wolff và lý thuyết về cảm quan luân lý của trường phái Anh đương thời nêu ra, sự phê phán của ông đối với sự viện dẫn đến ý chí của Thượng đế trong thần học của giáo phái Pietist và cuối cùng là đối với quan niệm của Montaigne về tầm quan trọng của tập quán trong hoạt động con người. Sau này ông nhận ra rằng tất cả các cách tiếp cận này đều dựa trên một “nguyên tắc ngoại trị” và tìm cách phát triển một thứ triết học luân lý dựa trên một “nguyên tắc tự trị” về việc tự ban bố quy luật.
Sự đối lập giữa các nguyên tắc ngoại trị và tự trị tồn tại xuyên suốt trong triết học luân lý của Kant. Trong cuốn CSSĐ, một ý chí tự trị tự mình mang lại luật cho mình, và được phân biệt với ý chí ngoại trị mà luật của nó do đối tượng mang lại “vì mối quan hệ của nó với ý chí” (CSSĐ tr. 411, tr. 45). Ở trường hợp sau, các châm ngôn của ý chí tùy thuộc vào các nguyên tắc ngoại trị, mà Kant nhận thấy trong những nghiên cứu đương thời về hành vi luân lý nói trên. Cái trước “được rút ra từ nguyên tắc về hạnh phúc, và được dựa trên xúc cảm tự nhiên hoặc trên xúc cảm luân lý” trong khi cái sau “được rút ra từ nguyên tắc về sự hoàn hảo, và dựa trên khái niệm lý tính về sự hoàn hảo như là một kết quả khả hữu của ý chí chúng ta hoặc dựa trên khái niệm về một sự hoàn hảo độc lập (ý chí của Thượng đế) như là một nguyên nhân quyết định của ý chí chúng ta” (CSSĐ tr. 442, tr. 46). Các nguyên tắc ngoại trị chỉ mang lại những mệnh lệnh giả thiết - “Tôi phải làm điều đó vì tôi muốn có cái gì khác” - chứ không phải là những mệnh lệnh nhất quyết của nguyên tắc tự trị thoát ly khỏi mọi đối tượng của ý chí.
Nguyên tắc tự trị của mệnh lệnh nhất quyết không yêu cầu điều gì khác hơn là sự tự trị của chính nó. Nguyên tắc của sự tự trị phát biểu rằng: “Luôn lựa chọn theo phương cách sao cho trong cùng một ý muốn, các châm ngôn của sự lựa chọn đồng thời là một quy luật phổ quát” (CSSĐ tr. 440, tr. 44). Một nguyên tắc như thế chỉ có thể có được “dựa trên sự tiền-giả định về sự tự do của ý chí” (CSSĐ tr. 461, tr. 60), là cái xác lập “sự tự trị của ý chí như là điều kiện hình thức duy nhất quy định ý chí” (CSSĐ tr. 461, tr. 60). Điều này có nghĩa rằng ý chí phải muốn sự tự trị của chính mình, và vì thế, sự tự do của nó ở trong việc là một quy luật cho chính mình. Sự tự do này là “khả niệm”, nghĩa là “không phụ thuộc bất cứ sự quy định nào từ những nguyên tắc xa lạ” và có tính mô thức/phổ quát bởi lẽ nó không ở trong bất kỳ mối quan hệ nào với một đối tượng.
Việc Kant thuần túy hóa ý chí khỏi sự ảnh hưởng của bất cứ nguyên tắc ngoại trị hay đối tượng nào đã bị phê phán, kể từ Hegel trở đi, đáng kể nhất là bởi Nietzsche (1887) và Scheier (1973). Một sự tự trị như vậy ít nhất bị xem là trống rỗng, duy hình thức và không thích đáng, hoặc tệ hon nữa, bị xem là chuyên chế độc đoán. Nó được xem là đã buộc cảm năng phải phục tùng lý tính, và trong mắt Hegel, bị xem là bạo hành đối với cả cảm năng lẫn lý tính (Hegel, 1807). Nghiên cứu của Kant về sự tự trị gần đây đã được O’Neill (1989) đánh giá lại và bảo vệ, vì theo ông, nó cung cấp một cơ sở phương pháp luận thỏa đáng cho sự lập luận lý thuyết lẫn sự lập luận thực hành.
Thánh Pháp dịch