Đẹp (cái) [Đức: Schöne, das; Anh: beauty]
Xem thêm: Mỹ học, Nghệ thuật, Thiện (sự), Siêu nghiệm (tính, cái)/ Siêu nghiệm thể, Chân lý, Thống nhất (Nhất thể),
Trong đối thoại Hippias Major [của Platon], [nhân vật] Socrates tổng kết đối thoại của ông về cái đẹp bằng câu cách ngôn Hy Lạp: “mọi cái đẹp đêu khó [bàn]”. Khó khăn triết học chính yếu là làm sao điều hòa cái đẹp với tư cách là một ý niệm khách quan với sự vui sướng chủ quan trước các sự vật đẹp. Trong đối thoại Symposium của Platon, sự điều hòa ấy được hoàn tất nhờ eros [tình yêu sắc dục], với sự nhấn mạnh vào kinh nghiệm về cái đẹp, và sự vui sướng trước cái đẹp. Việc Platon đặt ngang hàng cái đẹp với eros đã bị phản đối bởi định nghĩa thiên về tính khách quan hon của Aristoteles trong cuốn Metaphysics/Siêu hình học; định nghĩa ấy cho rằng “những hình thức chính yếu của cái đẹp là trật tự, sự đối xứng và tính xác định” (Aristoteles, 1941, 1078b, 1). Hai sự nhấn mạnh khác biệt rõ ràng này trong triết học Hy Lạp về cái đẹp vẫn cứ dai dẳng cho đến tận Kant và sau Kant trong sự phân biệt giữa nghiên cứu chủ quan và nghiên cứu khách quan về cái đẹp.
Nghiên cứu khách quan về cái đẹp đã chiếm ưu thế trong triết học trung đại, trong đó cái đẹp [Mỹ tính] được phân loại như một trong những siêu nghiệm thể, hay những cái siêu nghiệm dùng làm thuộc từ [thuộc tính] gồm Nhất tính, Thiện tính và Chân tính, vốn nhất trí với mọi giống loài. Aquinas đã mô tả rất nổi tiếng ba “điêu kiện” của cái đẹp như “Integrita hay sự hoàn hảo... tỉ lệ cân xứng hay sự hài hòa [consonatia]; và sau cùng, sự rực rỡ hay sự sáng sủa [claritas]...” (Aquinas, 1952, I, 39, 8). Những điều kiện ấy cho phép cái đẹp “có thể hoán đổi được” với những siêu nghiệm thể khác: Integritas với Nhất tính, Consonatia với Thiện tính và Claritas với Chân tính.
Quan niệm siêu nghiệm về cái đẹp được Leibniz sau đó nối kết với kinh nghiệm về sự vui sướng; tức một sự hoàn hảo khách quan được tri giác một cách mù mờ được cho là khoi dậy sự vui sướng chủ quan. Một quan niệm tương tự cũng được Shaftesbury đưa ra trong cuốn Characteristics [Đặc điểm] của ông (1711). Tuy nhiên, những người kế tục Leibniz và Shaftesbury lại có khuynh hướng thổi phồng một trong hai phương diện khách quan hoặc chủ quan của cái đẹp. Với Wolff và trường phái của ông, đáng chú ý nhất là môn đệ của ông là Baumgarten, cái đẹp cốt yếu ở “sự hoàn hảo” hay sự thống nhất của một cái đa tạp. Với những đồ đệ của Shaftesbury như Hutcheson, cái đẹp được đặt cơ sở trên một “cảm quan” chủ quan, nội tại về cái đẹp mà không có bất kỳ cái đối ứng khách quan rõ ràng nào ngoại trừ những cái đối ứng do Thiên Hựu mang lại.
Kant rất quen thuộc với cả hai nghiên cứu về cái đẹp ngay từ đầu thập niên 1760. Xét tổng thể, những phản tư tiền-phê phán của ông và sự nghiên cứu về mỹ học được phát triển trong L đã nhấn mạnh phương diện khách quan của cái đẹp. Trong T (tr. 547 - 549), ông đứng về phía những người theo Wolff trong việc nhận diện sự hoàn hảo như là nền tảng của cái đẹp, và xem kinh nghiệm về sự vui sướng trong cái đẹp như nảy sinh từ tri giác cảm tính, chủ quan về sự hoàn hảo ấy. Sự hoàn hảo, đến lượt nó, bao gồm “sự hợp nhất hài hòa” của “tính đa tạp và tính thống nhất” (T, tr. 547).
Trong nghiên cứu phê phán về cái đẹp được cải tiến trong PPNTPĐ, Kant đã rời bỏ lập trường hoàn hảo luận [perfectionist] thừa hưởng từ những người theo Wolff. Phân tích của ông về những phán đoán về cái đẹp trong “Phân tích pháp vê cái đẹp” cho thấy rằng chúng không phù hợp với nghiên cứu chủ quan lẫn khách quan về cái đẹp. Những phán đoán về cái đẹp được định nghĩa một cách tiêu cực trong PPNTPĐ dựa theo bảng các phạm trù như: (về phương diện chất) là cái gì “làm hài lòng mà không có bất kỳ sự quan tâm nào” (§5); (về phương diện lượng) là cái gì “làm hài lòng một cách phổ biến” (§9); (về phương diện tương quan) là “hình thức của tính hợp mục đích của một đối tượng, trong chừng mực tính hợp mục đích ấy được tri giác mà không có hình dung nào về một mục đích [khách quan] nơi đối tượng” (§17); và (về phương diện tình thái) là “đối tượng của một sự hài lòng tất yếu, nhưng độc lập với khái niệm” (§22). Trong mỗi trường hợp, Kant phân biệt cái đẹp với những nghiên cứu đang thịnh hành về cái đẹp dựa trên cơ sở của sự hoàn hảo hoặc một cảm quan. Ông trình bày bản tính của cái đẹp bằng những sự phủ định của cảm năng và khái niệm, hoặc bằng những lối nói nghịch lý như tính hợp mục đích mà không có một mục đích (Zweckmässigkeit ohne Zweck').
Tối tiếp cận này đã dẫn Kant đến một số khó khăn mới mẻ nào đó với cái đẹp. Bằng việc phân biệt cái đẹp với mọi nội dung, thuần lý hoặc cảm tính, ông đã giới hạn nghiêm ngặt phạm vi của cái đẹp. Nếu nội dung cảm tính đóng một vai trò nào đó, thì đối tượng hẳn sẽ không đẹp mà chỉ
là dễ chịu mà thôi; nếu một khái niệm tham gia vào, thì cái đẹp hẳn sẽ có thể hoán đổi rất dễ dàng với cái thuần lý. Nếu chúng tồn tại, thì những cái đẹp như vậy ắt sẽ là cái đẹp “phụ thuộc ’ và bị đối lập với những cái đẹp “tự do” vốn “chẳng đại diện cho cái gì hết” và nói chặt chẽ [thì chúng] thậm chí không thể là những vật nhân tạo. Do đó, đối với nhiều nhà phê bình, Kant dường như đã ban đặc quyền quá mức cho cái đẹp của tự nhiên hon cái đẹp của nghệ thuật, thậm chí cả trong những trường hợp ông nỗ lực cứu vãn cái đẹp của nghệ thuật bằng cách nhấn mạnh rằng nó xuất hiện ra như thể nó là tự nhiên. Trong một trường hợp thời danh (PPNLPĐ §59), ông còn tuyên bố cái đẹp là một “biểu trưng của luân lý” chính bởi những tính chất nghịch lý của nó. Ở đây, cái đẹp cho phép phán đoán tìm thấy “một quan hệ gắn bó với cái gì đó ở bên trong bản thân chủ thể lẫn ở bên ngoài mình, cái ấy không phải là tự nhiên, cũng không phải là tự do, trái lại gắn liền với nền tảng của tự do, cái đó chính là cái siêu-cảm tính” (§59).
Ảnh hưởng của nghiên cứu của Kant về cái đẹp là rất to lớn, một phần do bởi khả năng của nó trong việc làm cho mọi thứ có nghĩa với mọi người. Đối với những nhà duy tâm Đức, nó đã đánh dấu nỗ lực muốn bắc cầu cho vưong quốc của tự nhiên với vưong quốc của tự do, thể hiện nổi bật nổi Schiller, Schelling và Hegel. Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, việc quyển Phê phán thứ ba tập trung vào tính thuần túy của phán đoán về cái đẹp đã được các nhà Kant-mới yêu thích, và sau Thế chiến thứ II, nó đã được nhà phê bình Clement Greenberg cùng những người khác sử dụng như một sự biện minh lý thuyết cho nghệ thuật trừu tượng. Kết quả là, nghiên cứu của Kant về cái đẹp tiếp tục đóng vai trò như một xuất phát điểm cho rất nhiều phản tư triết học về cái đẹp, và có lẽ chúng không phải không xét tới những sự không nhất quán và thiếu sót của nó cho bằng chính vì những sự không nhất quán và thiếu sót ấy.
Hoàng Phú Phương dịch