Hành động, Hành vi/Việc đã làm và Trách nhiệm/Lỗi [Đức: Handlung, Tat und Schuld; Anh: action, deed and responsibility]
Con người, và cả những thực thể không phải người, luôn hành động và phản ứng đối với nhau và đều hoạt động tích cực theo nhiều cách khác nhau. Đối với từ “hoạt động tích cực” và “sự hoạt động” trong nghĩa rộng này, Hegel dùng các từ tätig (Anh: “active”' ) và Tätigkeit (Anh: “activity”). Từ quen thuộc để chỉ hành động của con người là Handlung (Anh: “action”), từ động từ handeln (“hành động”; Anh: “to act”) (nghĩa đen là “nắm lấy” hay “nắm bằng tay”). Hegel thường xét hành động trong văn cảnh của TINH THẦN khách quan, và, chuyên biệt hon, của LUÂN LÝ. Hành động, nhất là hành động luân lý, được xem như là nỗ lực của Ý CHÍ để tự hiện thực hóa một cách thích hợp với tính PHỔ BIỂN Cổ bản của nó.
Một hành động tiền-giả định một môi trường bên ngoài độc lập với ý chí của tôi và tôi có một tri thức không hoàn chỉnh về môi trường ấy. Chẳng hạn, giả định rằng tôi cần ánh sáng khi ở trong một khu rừng, tôi đốt một đám cỏ, nhưng rồi lửa lan ra và cả khu rừng lẫn một ngôi làng bên cạnh bị cháy rụi. Trong thuật ngữ của Hegel, việc đốt đống cỏ là Vorsatz, tức chủ ý của tôi. Còn việc khu rừng và ngôi làng bị cháy, cùng với tất cả những hệ quả, chính là việc đã làm (Tữt/Anh: deed) của tôi, cho dù những hệ quả ấy được dự kiến hay không. Thế nhưng, bao nhiêu phần trong việc đã làm của tôi bị quy thành trách nhiệm hay ỉỗỉ (Schuld) của tôi và được xem như là hành động của tôi (Handlung)? Việc cháy khu rừng và ngôi làng hoặc chỉ là việc đốt đống cỏ? Quan niệm thứ nhất cho rằng hành động của tôi gắn liền với việc thực hiện chủ ý của tôi (Vorsatz/ Anh:design), tức đốt đống cỏ. Nhưng, điều ấy không thỏa đáng. Tôi ắt đã có thể dự kiến một sự liên kết rộng hon (hay một phần nào đó), và cho dù tôi không hề dự kiến hay có ý định, tôi có thể (và phải) có ý thức về những hệ quả có thể xảy ra, không phải là không thể tránh được của việc đốt đống cỏ. Quan niệm thứ hai cho rằng tôi phải chịu trách nhiệm, rằng hành động của tôi bao hàm tất cả mọi hệ quả, rằng bộ phận của việc đã làm của tôi tương ứng với dự kiến của tôi (Absicht/Anh: intention). Absicht rút ra từ động từ absehen (nghĩa đen: “không nhìn”, “bỏ qua”), và, Hegel nói, nó “chứa đựng ý tưởng về một sự TRỪU TƯỢNG HÓA, hay như là hình thức của tính phổ biến, hay như là việc chọn ra một phương diện ĐẶC THÙ của sự vật cụ THỂ” (THPQ, §119). Nghĩa là, khi quy một hành động có ý định vào cho một tác nhân, ta không quy toàn bộ việc đã làm với tất cả những đặc điểm và hệ quả đa tạp của nó, đồng thời ta cũng không chỉ quy hành vi cá biệt được thực hiện trong chủ ý (Vorsatz), trái lại, quy một số đặc điểm bản chất, “phổ biến” của việc đã làm trong dự kiến của tác nhân: “phóng hỏa” hay “đốt rừng” - một sự mô tả có tính phổ biến vừa theo nghĩa rằng nó có thể được áp dụng cho nhiều hành động không xác định, được thực hiện vào nhiều dịp khác nhau và theo nghĩa rằng, vào một dịp nhất định, nó bao hàm một tính đa tạp của những sự cố chứ không đơn giản chỉ là việc thực hiện chủ ý (Vorsatz) của tác nhân. Trong chừng mực tác nhân dự kiến hành động của mình, người ấy ắt phải xem hành động như là việc góp phần vào sự an lạc (Wohl/Anh: welfare) của chính mình hay của những người khác, nhằm thỏa mãn những nhu cầu, lợi ích hay mục đích; và Hegel xem sự thỏa mãn như thế cũng là một bộ phận bản chất ngay cả trong những hành động vốn không chủ yếu được nó thúc đẩy (Hegel khinh miệt những nỗ lực nào vạch trần những động cơ vị kỷ đàng sau những việc làm vĩ đại và những nhân vật vĩ đại, và rất thích câu nói sau đây: “không có ai là một anh hùng trước mắt kẻ bồi phòng - không phải vì ông ta không phải là một người anh hùng, mà vì kẻ bồi phòng chỉ là một kẻ bồi phòng”).
Tuy nhiên, dự kiến và sự an lạc không mang lại sự hướng dẫn thích hợp cho việc thực hiện hay cho việc đánh giá các hành động. Bất kỳ hành động nào cũng có thể được biện minh bằng dự kiến và sự an lạc của tác nhân: chẳng hạn, đốt một khu rừng bởi tôi muốn nấu xúc xích hoặc để khai hoang. Kể cả an lạc hay phúc lợi của những người khác, thậm chí của mọi người khác, cũng không cải thiện được bao nhiêu: “khi Thánh Crispil ăn cắp da để đóng giày cho người nghèo, hành động của ông là có tính luân lý, nhưng vẫn là sai trái và vì thế, không thể chấp nhận được”. Và “quả là một trong những sai lầm ngớ ngẩn, quen thuộc nhất của tư duy trừu tượng là làm cho những quyền riêng tư và sự an lạc riêng tư được xem như là tuyệt đối, đối lập lại với tính phổ biến của nhà nước” (THPQ, §126).
Mặc dù Hegel chuyển từ dự kiến và sự an lạc sang việc nghiên cứu về cái thiện, nghĩa là luân lý cá nhân như đã được Kant và những người kế tục phác họa, Hegel vẫn cảm thấy rằng cái thiện ấy cũng không mang lại giải pháp cho vấn đề hành động và đánh giá hành động. Bởi lẽ, “cái nhìn luân lý về thế giới” cũng cho phép biện minh bất kỳ hành vi nào, bao lâu nó là kết quả từ một ý định tốt hay từ một “tấm lòng tốt”. Hegel cho rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm về rất nhiều, nếu không muốn nói là về tất cả, kể cả về những hệ quả không được dự kiến hay không có ý định của những hành động của ta, vì hành động nói chung tất yếu là việc chọn cơ may với một thực tại bên ngoài vốn không nằm hoàn toàn trong phạm vi quyền lực hay trong tri thức hay trong sự tiên liệu của con người (Hegel trích dẫn một ngạn ngữ xa xưa: “một hòn đá được ném đi là một hòn đá của quỷ”). Như thế, mặc dù Hegel thừa nhận rằng ta phải xét đến những ý định hay dự kiến của con người - ngày nay, ắt ta sẽ không xem Oedipus phạm lỗi và chịu trách nhiệm về tội giết cha và loạn luân -, nhưng quan điểm chung của ông là: “sự thật của ý định là bản thân việc đã làm”.
Một đặc điểm đáng chú ý của tư tưởng Hegel là xu hướng muốn đồng hóa hành động và sự NHẬN THỨC, đồng hóa tinh thần thực hành và tinh thần lý thuyết. Thoạt đầu ta quan niệm rằng hành động là hoàn toàn khác với nhận thức, bởi vì, trong khi nhận thức liên quan đến cái gì đang là, thì hành động lại được thúc đẩy bởi niềm tin rằng tôi PHẢI LÀM, nghĩa là, dù với bất cứ lý do gì, phải mang lại một sự thay đổi vào trong thực tại xa lạ, ở bên ngoài. Hegel tìm cách đả phá cách nhìn này về hành động. Môi trường trong đó tôi hành động thì nói chung đã được đúc khuôn bởi những người khác, và chứa đựng hàng loạt những quy phạm và định chế hướng dẫn hành động của tôi, và hành động của tôi giúp bảo tồn hon là thay đổi chúng - giống như việc tôi sử dụng một ngôn ngữ nói chung là để bảo tồn nó và chỉ thay đổi nó một cách có mức độ và ở ngoại vi. Theo cách nhìn của Hegel, việc những người khác cùng chia sẻ một môi trường ấy, cũng như thừa nhận, diễn giải và đáp ứng các hành động của tôi cũng là một đặc điểm bản chất của hành động (trong triết học Đức sau Kant nói chung, vấn đề “người khác” được xem xét theo chủ đề của triết học luân lý hon là triết học lý thuyết). Do đó, ý niệm TUYỆT ĐỐI được xem như là “sự đồng nhất của những ý niệm lý thuyết và thực hành, nghĩa là sự đồng nhất của các ý niệm về “cái chân” hay cái đúng thật (nhận thức) và “cái thiện” (hoạt động luân lý), vốn đi trước ý niệm tuyệt đối trong Khoa học Tô-gíc.
Chính vì lý do đó (và cũng bởi hệ thống của Hegel là có tính lịch sử và hồi cố), Kierkegaard cho rằng HỆ THỐNG của Hegel loại bỏ một sự nghiên cứu đích thực về hành động, nhất là về những hành động đòi hỏi một sự quyết định không được quy định từ trước và có thể xung đột với những quy phạm và thực hành đã được chấp nhận rộng rãi: “hầu hết những nhà hệ thống hóa đều giống như một kẻ xây một tòa lâu đài vĩ đại, nhưng lại sinh sống trong một căn lều ở bên cạnh”. Hegel có thể tiếp thu những lựa chọn có tính ly khai với trật tự hiện tồn nổi các hình tượng nhân vật như Antigone và những việc làm có tính cách mạng của những cá nhân mang tầm vóc “lịch sử thế giới” như là Caesar, Alexander Đại đế và Napoleon, bởi họ đại diện một phương diện trong hệ thống giá trị của thời đại họ. Nhưng Hegel lại ít quan tâm đến việc tiếp thu những hành vi hoàn toàn độc đáo và không-lýtính của một đức tin hay của một lối sống, như trong suy nghĩ của Kierkegaard. Theo cách nhìn của Hegel, một tác nhân hợp lý tính thì phải tương ứng với những quy phạm và định chế của xã hội mình đang sống cũng giống như một người nhận thức hợp lý tính thì phải phục tùng đối tượng của nhận thức.
Bùi Văn Nam Sơn dịch