Hành động [Hy lạp: ergon/poiesis/praxis; Latinh: opere/factio/ actio; Đức: Handlung; Anh: action]
Xem thêm: Hiện thực, Tự trị, Nhân quả, Tự do, Lập pháp, Tự khởi (sự), Ý chí,
Nghiên cứu về Handlung [hành động] của Kant kế thừa một truyền thống nghiên cứu về lý thuyết hành động có nguồn gốc từ Aristoteles và được định hình bằng sự du nhập những viễn tượng luân lý Kitô giáo. Nghiên cứu của Kant thấm nhuần những sự mập mờ nước đôi của truyền thống này, đặc biệt là về sự phân biệt giữa những loại hành động đa dạng, vấn đề về ý đồ và sự phân biệt giữa hành động luân lý và hành động chính trị.
Đối với Aristoteles, thuật ngữ chung để chỉ hành động là ergon (hoạt động), từ đó đã rút ra energeia (Aristoteles, 1941, 1050a). Khi energeia thể hiện ra trong “những sự vật được làm ra” (poieton), thì phưong cách của nó là có tính “tạo tác” (poiesis); khi thể hiện trong “những hành động đã thực hiện” (prakton), thì phưong cách của nó là có tính thực hành (praxis). Aristoteles phân biệt nghiêm ngặt giữa poiesis và praxis: cái trước hướng đến thế giới dựa theo các quy tắc của “nghệ thuật/kỹ thuật” (techne), trong khi cái sau hướng đến đời sống của polis [thành quốc] dựa theo phronesis [sự thông thái thực hành] (Aristoteles, 1941, 1140a; xem Riedel, 1974, tr. 99-101). Cái trước là có tính cách kỹ thuật, tạo ra dựa theo các quy tắc; cái sau là có tính cách cân nhắc và suy lý. Hon nữa, praxis hướng đến cái tốt cho cả cá nhân lẫn polis; có một chút dấu vết nổi Aristoteles về sự phân biệt sau này giữa hành động luân lý và hành động chính trị.
Việc Kitô giáo tiếp thu Aristoteles trong thế kỷ XIII đã sửa lại đáng kể nghiên cứu của ông về hành động, đưa vào những sự phân biệt mới, trong khi làm mờ đi những sự phân biệt cũ. Praxis hay actio không còn cân bằng lợi ích của cá nhân với polis thông qua phronesis nữa; mà thay vào đó là mối quan hệ giữa những lợi ích luân lý, lợi ích pháp lý và lợi ích chính trị đã trở nên không định nghĩa được và trở thành chủ đề của tranh cãi không dễ giải quyết. Cũng quan trọng không kém là sự sụp đổ của việc phân biệt giữa poiesis và praxis, hiện rõ trong việc Aquinas phiên dịch chữ praxis như ìà/actio. “Những hành động được thực hiện” ngày càng được suy tưởng dựa vào “những sự vật được làm ra” hay sự vận động qua đó một sự vật được tạo ra. Mà nói theo từ ngữ định nghĩa có tính cách kỹ thuật của Aquinas, thì “hành động không hàm ý gì hon là trình tự có nguồn gốc, trong chừng mực hành động tiến hành từ nguyên nhân hay nguyên tắc nào đó đến cái có được từ nguyên tắc ấy” (Aquinas, 1952, 1, 41, 1).
Hành động được suy tưởng dựa theo từ techne, như có nguồn gốc từ một nguyên nhân hay một nguyên tắc, hon là dựa theo một tiến trình của sự cân nhắc (phi-emesis'). Những hệ quả của sự chuyển đổi này trở nên hiển nhiên trong những vấn đề mà Aquinas gặp phải khi đối mặt với tính thời gian của hành động: thay cho sự cùng tồn tại của nguyên nhân, hành động và kết quả trong mô men của sự cân nhắc, thì hành động phải diễn ra trong hiện tại sau khi có sự hiện diện của nguyên nhân, nhưng trước khi có sự hiện diện của kết quả (Aquinas, 1952, I, 42, 2). Điều này đưa vào trong nghiên cứu về hành động hai chỗ gián đoạn (hiatus) (tức giữa nguyên nhân với hành động, và giữa hành động với kết quả), mà sau này, đến lượt chúng, sẽ làm nền tảng cho sự phân biệt kinh viện giữa hành động bên trong và hành động bên ngoài. Lý thuyết về hành động sau này bị chi phối bởi một nghiên cứu ba giai đoạn đi từ 1) nguồn suối của một hành vi trong một sự thúc đẩy [động cơ] hay ý đồ của người hành động, đến 2) sự sản xuất hay sự biểu lộ của nó, và đạt đến 3) những kết quả hay những hệ luận của nó.
Truyền thống này đã tỏ ra cực kỳ linh động. Nó vẫn sống dai dẳng sau sự phân ly của Machiavelli giữa động cơ luân lý và động cơ chính trị, vốn đơn thuần rút ra những hệ luận chống-Kitô giáo từ sự tách rời của Kitô giáo giữa đạo đức học và chính trị học. Nó cũng sống sót sau sự tách rời đầy đe dọa của Luther giữa ý đồ với sự biểu lộ trong việc ông bác bỏ việc biện minh [hay “công chính hóa” theo thuật ngữ thần học] bằng các thành quả, và chỉ sử dụng sự phân biệt giữa động cơ và những hành động bên ngoài để ủng hộ sự biện minh bằng đức tin. Tuy nhiên, như thấy rõ từ phép biện chứng quanh co của Freiheit eines Christen [Tự do của một Kitô hữu] (1520) của Luther, những sức ép mà mô hình hành động này đã gây ra hay dựa trên mô hình hành động này đã dẫn đến những lập luận thực hành tưởng tượng khéo léo lạ thường, không chỉ ở cấp độ đúng-sai trong sự cư xử hằng ngày (Weber, 1904-1905) mà còn nằm trong những tầm với cao hơn của triết học và thần học.
Lý thuyết của Kant về hành động là tượng đài lâu bền nhất trong nỗ lực duy trì sự tổng hợp Aristoteles/Kitô giáo khi đối mặt với những sức ép của tính hiện đại của đạo Tin Lành. Phù hợp với việc xóa bỏ được chấp nhận rộng rãi giữa poiesis và praxis, đối với Kant, hành động là có tính nền tảng đối với cả lý tính lý thuyết lẫn lý tính thực hành (O’Neill, 1989). Hành động được tạo ra dựa theo những quy tắc mà bản thân chúng bị chi phối bởi những quy luật cao hon có nguồn gốc không xác định. Giác tính trong lý tính lý thuyết thực hiện chức năng thông qua những phán đoán áp dụng những quy tắc mà tính tất yếu tối hậu của chúng nằm trong những quy luật cao hon không thể thăm dò được. Trong lý tính thực hành, những hành động được tạo ra bởi ý chí vận hành dựa theo một châm ngôn chủ quan, đến lượt mình, châm ngôn này cũng bị khống chế bởi một quy luật cao hon.
Cốt lõi trong lý thuyết về hành động của Kant được tìm thấy không nhiều trong những nghiên cứu của ông về lập luận thực hành (PPLTTH, CSSĐ) cho bằng trong “Loại suy thú hai” của quyển PPLTTT. Điều này liên quan đến “sự ra đời hay mất đi của bản thân bản thề’ hay, như trong tiêu đề của ấn bản PPLTTT bản A năm 1781 là “nguyên tắc vê sự sản sinh”. Ở đây, Kant tìm kiếm một giải pháp cho hai chỗ đứt đoạn về mặt thời gian đi kèm theo sự dị biệt hóa giữa nguyên nhân, hành động và kết quả. Trước hết, ông khẳng định rằng nguyên nhân và kết quả đều có trình tự theo thời gian - kết quả theo sau nguyên nhân - kể cả khi không có bất kỳ một khoảng cách thời gian nào giữa chúng (A 203/ B 248). Theo cách này, trình tự hay mối quan hệ sẽ định nghĩa cho hành động: “Hành động có nghĩa là mối quan hệ giữa chủ thể của tính nguyên nhân với kết quả của nó” (A 205/ B 250). Nhưng thêm vào cho mối quan hệ này, tức mối quan hệ tồn tại giữa chủ thể của tính nguyên nhân với kết quả của nó, hành động còn được mô tả như là sự “tự biểu lộ của bản thể” thông qua “hoạt động và lực” (Tätigkeit und Kraft) (A 204/ B250). Trong quan niệm về hoạt động như “cái cơ chất [bất biến] của mọi cái thay đổi, tức là cái bản thể” này (A 205/ B 250), bản thân nguồn suối của hành động trong sự tự biểu lộ của bản thể không được tổ chức theo trình tự dựa theo nguyên nhân và kết quả.
Vấn đề sau đó chuyển thành [vấn đề về] đặc tính của bản thể tự biểu lộ thông qua hành động. Bản thân nguyên nhân của hành động không thể phụ thuộc vào hành động, mà phải đề xướng hành động một cách tự do và vô điều kiện. Nó nằm ngoài mối quan hệ giữa nguyên nhân, hành động và kết quả, nằm ngoài sự tiếp diễn và sự cùng tồn tại của những hiện tượng mà thông qua đó nó biểu lộ chính nó. Vì thế, Kant đặt cạnh nhau hai nghiên cứu về hành động: một cái liên quan đến “chủ thể của tính nguyên nhân đỗi với kết quả của nó” trong khi cái kia, sự tự biểu lộ của bản thể, hành động một cách tự khởi để tạo ra trật tự nguyên nhân-hành động-kết quả. Sự phân ly của cái có thể được mô tả như những phương diện hành pháp và lập pháp của hành động con người là một hệ luận của việc tư duy về hành động dựa vào sự sản sinh những kết quả từ những nguyên tắc nhân quả. Nó tương phản với tính không thể tách rời của những phương diện này trong mô men của phronesis vốn nối kết phương diện lập pháp và hành pháp của hành động.
Sự phân biệt giữa hành động tự khởi, lập pháp - sự tự trị - với hành động lệ thuộc vào tính nhân quả - sự dị trị - có mặt khắp nơi trong triết học thực hành của Kant. Ở đây, hành động được xem như được quy định hoặc trực tiếp thông qua xu hướng dị trị của ý chí [Willkür] [sự tự do lựa chọn] hướng đến các đối tượng (những xung động cảm tính) như được nói rõ trong các châm ngôn của nó, hoặc như gián tiếp bởi sự xem xét kỹ lưỡng của lý tính (thông qua ý chí - [Wille]) về những châm ngôn ấy đối với sự phù hợp của chúng với hình thức của quy luật tối cao - tức sự phù hợp của châm ngôn với một quy luật phổ quát. Vì các châm ngôn chi phối hoạt động con người có thiên hướng nghiêng về ảnh hưởng “bên ngoài”, nên sự xem xét kỹ lưỡng của lý tính chỉ có thể được trải nghiệm như một mệnh lệnh hay sự ngăn cấm. Ý chí “hành động” một cách lập pháp khi nó ra lệnh hay ngăn cấm sự lựa chọn một châm ngôn đặc thù, trong khi Willkür [sự tự do lựa chọn] tạo ra hành động dựa theo các châm ngôn vốn nối kết tính nhân quả của ý chí với tính nhân quả của các đối tượng. Lý thuyết về hai phương diện của hành động xuyên suốt sự phân biệt tiếp theo giữa hành động luân lý và hành động pháp lý. Trong hành động pháp lý, bản thân hành động nhất trí với quy luật, trái lại, trong hành động luân lý, thì không chỉ hành động mà cả châm ngôn của người hành động cũng phải nhất trí với quy luật.
Bằng nghiên cứu này, Kant đã tìm cách tránh những hàm ý của cả những nghiên cứu “duy lý” về hành động của trường phái Wolffian những nghiên cứu “duy nghiệm” của Shaftesbury, Hutcheson và Hume. Nghiên cứu duy lý xem tri giác về một sự hoàn hảo thuần lý là một sự thúc đẩy [động cơ] đủ cho hành động, trong khi nghiên cứu duy nghiệm lại nhấn mạnh đến các động cơ cảm tính cho hành động. Lý thuyết của Kant nối kết cả hai hình thức động cơ trong khi mang lại cho chúng một điểm nhấn mang tinh thần Rousseau trong sự phân biệt giữa một ý chí lập pháp không thể thăm dò được với những hành vi của ý chí đặc thù cụ thể.
Lý thuyết của Kant về hành động lập ra nghị trình cho những sự phát triển tiếp theo trong lĩnh vực triết học này. Nhiều nhà triết học, như những nhà Kant-mới cuối thế kỷ XIX và những triết gia đương đại như John Rawls, đã liên tục làm việc bên trong khuôn khổ của Kant. Những người khác đã chọn cách nhấn mạnh vào một phương diện trong nghiên cứu của ông: chẳng hạn, Fichte đã nhấn mạnh vào sự tự trị tuyệt đối của hành động con người, trong khi xã hội học thực chứng được Auguste Comte phát triển lại tô đậm sự dị trị của nó bằng cách nhấn mạnh vào yếu tố của “sự quy định xã hội”. Một số nhà lý luận về hành động đã tìm kiếm ở chỗ khác nơi Kant một lý thuyết có tính lựa chọn về hành động, danh tiếng nhất là hai học trò của Heidegger là Arendt (1958-1989) và Gadamer (1960), hai người này đã đọc nghiên cứu của ông về cảm quan chung (common sense) và năng lực phán đoán phản tư trong PPNLPĐ như một sự tái-khẳng định của thời hiện đại về phronesis của thời cổ điển [Hy Lạp].
Các nhà lý luận khác về hành động, về căn bản, đã không thừa nhận nghiên cứu của Kant về hành động trong khi vẫn hàm ơn nghiên cứu của Kant như một xuất phát điểm mấu chốt. Người đầu tiên là Hegel, không thừa nhận những sự đối lập của Kant giữa sự tự trị - sự dị trị, luân lý - pháp lý bằng một nỗ lực hiện tượng học muốn “suy tưởng cái tuyệt đối” như là Sittlichkeit hay “đời sống/trật tự đạo đức”. Ta có thể thu hoạch được một ý tưởng nào đó về tính phong phú có thể gợi mở những suy nghĩ mới trong công trình của Hegel về hành động và những phản ứng đa dạng mà nó khơi ra bằng một sự so sánh các tác giả đương đại như Derrida (1974), Rose (1981) và Taylor (1975).
Nhà phê phán lý thuyết về hành động của Kant có ảnh hưởng lớn nữa là Nietzsche, người đã vạch ra đặc tính lấy con người làm trung tâm và sự tiền giả định của nó rằng chủ thể hành động phải sở hữu một bản sắc “người” cố định. Phê phán này đã truyền cảm hứng cho các lý thuyết phi-nhân bản (anti-humanist) về hành động, tức lý thuyết tách rời lý thuyết về hành động ra khỏi những vấn đề của chủ thể hành động và động cơ của chủ thể ấy. Trong truyền thống này, hành động không được xem như nảy sinh từ một chủ thể thống nhất, cũng không được thúc đẩy bởi ham muốn được nói rõ trong các châm ngôn và được dành cho sự sản sinh các hành động. Những nhà triết học làm việc bên trong truyền thống cực kỳ đa dạng này (vốn thường được mô tả không chính xác như là những “nhà hậu cấu trúc” hay “nhà hậu hiện đại”), tức truyền thống dựa trên Marx, Freud và Heidegger, gồm có Deleuze và Guattari (1972), Levinas (1961) và Lyotard (1983).
Hoàng Phú Phương dịch