Xu hướng [Đức: Neigung; Anh: inclination]
Xem thêm: Kích động, Điều lệnh, Nghĩa vụ, Tinh cảm, Mệnh lệnh, Động cơ, Quan tâm, Triết học thực hành, Tôn kính [sự], Thế giới khả giác, Ý chí,
Triết học luân lý của Kant được cấu trúc xoay quanh sự đối lập giữa nghĩa vụ và xu hướng. Với Kant, nghĩa vụ “kiêu hãnh vứt bỏ hết mọi sự dính líu với những xu hướng” (PPLTTT, tr. 87, tr. 89); nghĩa vụ đặt Cổ sở trong sự thoát ly khỏi thế giới cảm tính là nổi xu hướng bám rễ vững chắc. Vì lý do này, trong triết học thực hành của Kant, ông gọi đến xu hướng để trình bày những phương diện có tính chủ quan, thiên vị, và nền tảng về chất liệu của kinh nghiệm luân lý của con người đối lập với mệnh lệnh nhất quyết có tính khách quan, hình thức và phổ quát. Xu hướng là “sự phụ thuộc của quan năng ham muốn vào những cảm giác... do đó luôn luôn biểu thị một nhu cầu” (CSSĐ, tr. 413, tr. 24), và đối với Kant, việc có một ý chí bị quy định một cách duy nhất bởi xu hướng là thiếu sự tự khởi, đơn thuần phản ứng lại tác nhân kích thích, một điều kiện mà Kant mô tả là “lựa chọn của thú vật (arbitrium brutum)” (SHHĐL, tr. 213, tr. 42). Lựa chọn của con người có thể bị kích động nhưng không bị quy định bởi xu hướng, vì với Kant, xu hướng chỉ có vai trò phá vỡ sự tự do của ý chí. Thế nên, xu hướng là nguồn suối cho tính dị trị của ý chí, cụ thể là sự bị quy định của nó bởi những đối tượng ở bên ngoài ý chí; trong trường hợp này, ý chí “không mang lại quy luật cho chính mình, mà chính đối tượng mới là cái mang lại quy luật do mối quan hệ của nó với ý chí” (CSSĐ, tr. 441, tr. 45). Các đối tượng của xu hướng chỉ có một “giá trị bị điều kiện hóa”; tức là, chúng không được ham muốn vì “chính chúng” mà chỉ để thỏa mãn những mục đích bên ngoài chúng, cụ thể là thỏa mãn những nhu cầu của xu hướng (CSSĐ, tr. 427, tr. 35). Đối với Kant, điều này khiến chúng không xứng đáng giữ vai trò như là những nguyên tắc của phán đoán luân lý, vì khi chúng không thể được phổ quát hóa thì chúng chỉ có thể đóng vai như là cơ sở của những mệnh lệnh giả thiết chứ không phải của những mệnh lệnh nhất quyết.
Nguyễn Văn Sướng dịch