Nguyên mẫu [Latinh: archetypon; Đức: Urbild; Anh: archetype]
Xem thêm: Niềm tin, Ý niệm, Ý thể/Lý tưởng, Mô phỏng (sự),
Đối với Kant, nguyên mẫu so với phó mẫu (ectype) cũng giống như bản gốc so với bản sao (copy), hay giống như giác tính toàn thể (holistic) của một intellectus archetypus [trí tuệ nguyên mẫu] so với “giác tính suy lý, là thứ giác tính cần đến những hình ảnh” (intellectus ectypus) (PPNLPĐ §77). Làm cơ sở cho những phân biệt này là cuộc luận chiến phê phán với thuyết Platon. Trong PPLTTT, Kant phê phán “sự diễn dịch thần bí” của Platon về “các ý niệm” đã bị hữu thể hóa bằng cách biến chúng thành “những nguyên mẫu của bản thân những sự vật” (PPLTT A 313/B 370). Kant khẳng định rằng Platon với “sức bật tư tưởng đi từ cách nhìn sao chép về cái vật lý của trật tự vũ trụ vươn lên cách nhìn về sự nối kết có tính cách kiến trúc của vạn vật theo các mục đích tức là theo các ý niệm” (PPLTTT A 318/B 375) biến “những nguyên tắc điều hành” cho sự hoàn chỉnh có tính hệ thống của nhận thức thành những nguyên tắc cấu tạo nên nguồn gốc của các sự vật. Kant phê phán triết học thực hành của Platon theo lối tương tự, tức bằng cách xem ý niệm về cái thiện có thể được sử dụng như là một nguyên tắc điều hành cho “bất kì phán đoán nào về giá trị luân lý”, nhưng bản thân nó không phải là một nguyên mẫu. Tuy thế, nguyên tắc này có thể được sử dụng như một nguyên mẫu khi nó giữ vai trò như là một lý tưởng để mô phỏng. Trong PPLTTT, Kant mô tả một nhà hiền triết của phái Khắc kỷ là một nguyên mẫu như thế, tức nguyên mẫu dùng “cho việc xác định trọn vẹn hình tượng mô phỏng [bản sao] và ta không có chuẩn mực nào khác cho những hành vi của ta hơn là sự ứng xử của bậc hiền triết thánh thiện này ở trong ta, dựa vào đó, ta tự so sánh, đánh giá [những hành vi của mình] và cũng qua đó tự hoàn thiện mình, dù biết rằng không bao giờ có thể đạt đến nổi” (PPLTTT A 569/B 597). Trong TG, nguyên mẫu của phái Khắc kỷ được thay thế bằng Đức Kitô như là “nguyên mẫu của con người rất đẹp lòng Thượng đê” (tr. 119, tr. 109), mà bổn phận của chúng ta là mô phỏng nguyên mẫu đó. Sự hiểu biết này về nguyên mẫu như là lý tưởng để mô phỏng cũng xuất hiện trong phần mỹ học của PPNLPĐ của Kant. Ở đó, ông sử dụng sự đối lập giữa nguyên mẫu và phó mẫu như là một phưong tiện để phân biệt giữa điêu khắc và hội họa: “Co sở nền tảng” của cả hai là ý niệm thẩm mỹ với tư cách là một “nguyên mẫu”, còn những phưong cách diễn đạt của nó (hay phó mẫu) thì ở trong “quảng tính mang tính Cổ thể” của điêu khắc hoặc trong “vẻ ngoài của nó khi được phóng chiếu trên một mặt phẳng” làm nên đặc trưng của hội họa (PPNLPĐ § 51).
Cù Ngọc Phương dịch