Ý thể/Lý tưởng [Đức: Urbild; Latinh: Prototyp; Anh: ideal]
Xem thêm: Nguyên mẫu, Xác định (sự), Ví dụ điển hình, Thượng đế, Ý niệm, Mô phỏng (sự),
Lý tưởng được định nghĩa là “biểu tượng về một cá thể như là hữu thể tương ứng trọn vẹn với một ý niệm” (PPNLPĐ §17). Trong PPLTTT, Kant chỉ rõ ý thể là “ý niệm không đơn thuần in concreto [cụ thể] mà là in individuo [cá vị], tức là như một sự vật cá biệt chỉ có thể được hoặc thậm chí đã được xác định bởi ý niệm” (PPLTTT A 568/B 596). Mặc dù là một hữu thể cá vị tự-xác định thì ý thể vẫn giữ vai trò như một nguyên mẫu cho việc xác định trọn vẹn các bản sao của nó. Trong PPLTTT, Kant đưa ra những ví dụ điển hình về ý thể như: nhà hiền triết phái khắc kỷ tồn tại trong “sự tương xứng hoàn toàn với ý niệm về sự minh triết” (A 569/B 597), Thượng đế hay ý thể siêu nghiệm. Cả hai ví dụ điển hình này đều đóng vai trò như những nguyên mẫu cho sự mô phỏng nhưng theo những cách khác nhau. Nhà hiền triết phái khắc kỷ như một ví dụ điển hình, và Thượng đế như nguồn gốc của mọi hữu thể. Thượng đế với tư cách là ens realissimum (Hữu thể có tất cả tính thực tại) là một Hữu thể cá biệt mà sự tồn tại của Ngài là tương ứng với ý niệm về Hữu thể của mọi hữu thể. Với Kant, Thượng đế là Ý thể đích thực duy nhất. Ý thể duy nhất này thỏa mãn điều kiện của hữu thể “được xác định trọn vẹn bởi chính nó và được nhận thức như là biểu tượng về một cá thể” (PPLTTT A 577/B 604). Trong khi phân tích về “Ý thể của lý tính thuần túy” thuộc phần “Biện chứng pháp siêu nghiệm”, Kant bác lại mọi nỗ lực chứng minh sự tồn tại của Thượng đế như một ý thể siêu nghiệm; Thượng đế không phải là một đối tượng khả tri, mà phải được suy tưởng như là nhu cầu của lý tính nhằm thống nhất nhận thức, hay được suy tưởng như là Hữu thể mà mọi hữu thể rốt cuộc có thể được quy chiếu vào. về sau, trong “Bộ chuẩn tắc của lý tính thuần túy”, Kant cũng bàn đến các ý thể của sự thiện “tối cao” và “nguyên thủy” của lý tính thực hành, hay lý tính tối cao mang hạnh phúc và luân lý lại với nhau. Hai phương diện của ý thể (hay lý tưởng), như là ví dụ điển hình và như là nguồn suối, giữ vai trò quan trọng trong thảo luận về sản phẩm nghệ thuật trong quyển PPNLPĐ (xem §§17 và 60). Lý tưởng của cái đẹp là ở trong các sản phẩm điển hình của tài năng thiên bẩm; các sản phẩm của tài năng thiên bẩm không tuân theo các quy tắc, thế nhưng lại là những nguyên mẫu điển hình và tự đầy đủ.
Cù Ngọc Phương dịch