Dị biệt hoá (sự) [Đức: Differenzierung; Anh: Differentiation]
Là một thuật ngữ từ lý thuyết hệ thống/systems theory nói về tiến trình hệ thống/system chia nhỏ thành những hệ thống con chuyên biệt, và vì thế là hệ quả của sự biến đổi xã hội hay sự tiến hoá xã hội/social evolution. Trong sinh học, sinh thể có thể được xem như một hệ thống, trong đó nó là cấu trúc có tổ chức, thiết kế để thực hiện một loạt các chức năng. Ở những sinh vật đơn giản nhất, như trùng amip hay các động vật đơn bào khác, tất cả các chức năng (như dinh dưỡng, bài tiết, vận động, sinh sản) được thực hiện bởi một tế bào. Nó là hệ thống không dị biệt hoá. Với những sinh vật phức hợp hơn, các tế bào khác nhau sẽ thực hiện những chức năng khác nhau. Vì thế, chẳng hạn, rễ cây có chức năng hấp thụ nước và chất dinh dưỡng từ đất, lá cây có chức năng hô hấp và quang hợp. Do đó, cây có thể được dị biệt hoá thành một số hệ thống con, mỗi hệ thống con có một chức năng khác nhau. Khi có thêm nhiều dị biệt hoá xảy ra, những chức năng mới có thể được thực hiện (sao cho, chẳng hạn, động vật có hệ thần kinh tăng dần tính tự chủ và các chức năng giải quyết vấn đề). Khi lý thuyết hệ thống được áp dụng vào xã hội, xã hội có thể được hiểu tương tự theo mức độ có thể được chia nhỏ thành những hệ thống con với các chức năng khác nhau. Đây là chuẩn mực về độ phức hợp của xã hội. Vì thế, chẳng hạn, trong những xã hội có quy mô nhỏ, đơn vị gia đình có thể tham gia vào sản xuất kinh tế, vào việc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, và có thể cả các chức năng tôn giáo hay chính trị. Ở xã hội công nghiệp, mặc dù gia đình vẫn có thể cung cấp lao động, nhưng thường thì nó không còn là nhà sản xuất kinh tế nữa. Chức năng đó đã được tách ra và giao cho các hệ thống con chuyên môn về kinh tế. Tương tự, mặc dù gia đình vẫn nuôi nấng và dạy trẻ em hoà nhập xã hội, nhưng phần nhiều nhiệm vụ giáo dục sẽ được hệ thống con chuyên môn về giáo dục đảm nhận lấy (hệ thống con này bao gồm các trường phổ thông, cao đẳng và đại học).
Nghiên cứu của lý thuyết hệ thống về sự dị biệt hoá có thể được bổ sung bởi việc hiểu về tác động của dị biệt hoá trong phạm vi văn hoá. Khi xã hội trở nên phức tạp hơn, thì các định chế xã hội, các niềm tin văn hoá và thế giới quan, cũng như cấu trúc nhân cách sẽ càng ngày càng tách rời nhau. Điều này có thể được làm sáng tỏ bằng cách tưởng tượng một xã hội quy mô nhỏ có kỹ nghệ hết sức đơn giản (hay như những gì nhà xã hội học người Pháp Émile Durkheim đề xuất qua thuật ngữ ‘sự đoàn kết cơ giới’ (solidarité mécanique) (xem Habermas, 1987, tr. 87ff)). Sự gắn kết với nhau của xã hội này (tức là sự tích hợp hay hội nhập xã hội/social integration của nó) phụ thuộc vào thực tế là mọi thành viên của xã hội đó cùng chia sẻ những giá trị văn hoá, và cùng bận rộn làm những hoạt động tương tự nhau, vì chưa xuất hiện sự phân công lao động phức tạp. Bởi tất cả họ nhìn chung sẽ có những kinh nghiệm và giá trị giống nhau, nên họ sẽ hiểu bản thân mình ít nhiều theo cùng một cách. Luận điểm ở đây là ý thức cá nhân theo nghĩa hiện đại sẽ chưa xuất hiện được. Khi xã hội trở nên phức hợp hơn, và người ta bắt đầu đảm nhiệm vai trò chuyên môn về kinh tế và các vai trò khác (khi các hệ thống con chuyên môn phát triển), thì sự thuần nhất của kinh nghiệm, giá trị và ý thức về bản ngã sẽ bắt đầu đổ vỡ. Từ đây, sẽ xảy ra một sự dị biệt hoá của những gì Habermas gọi là xã hội (theo 'nghĩa hẹp'), văn hoá và cá nhân (1987, tr. 147). Người ta dần dần ý thức rằng có sự khác biệt giữa một bên là vai trò xã hội hay chức vụ đang nắm giữ, những giá trị văn hoá và quan điểm mà họ chấp nhận, và một bên là nhân cách của họ. Vì thế, chẳng hạn, tôi là một giảng viên đại học. Nhưng tôi không gặp vấn đề gì khi nghĩ rằng tôi có thể nghỉ hưu trong khi công việc của tôi vẫn tiếp tục, và nó được thay thế bởi ai đó rất khác tôi—ví dụ, người đó là một phụ nữ Ấn Độ thích bóng chày và mặc dù đọc Habermas rất cẩn thận nhưng lại chỉ trích ông mạnh mẽ (trái ngược với người đương nhiệm hiện nay, là tôi, một người đàn ông xứ Wales yêu môn cricket và hâm mộ Habermas). Nhiệm vụ của giảng viên đại học có thể vẫn được thực hiện tốt như thường, mặc cho sự khác biệt về văn hoá và ý thức về căn cước cá nhân của những người giữ vị trí này.
Đi xa hơn một chút, sự dị biệt hoá ở đây còn dẫn đến sự dị biệt hoá giữa các yêu sách về giá trị hiệu lực/validity claims. Tức là, khi sự dị biệt hoá về hệ thống và văn hoá xảy ra, thì câu hỏi về chân lý/truth, cái thiện và sự trung thực/truthfulness đi đến chỗ được tách rời nhau, khi các thành viên của xã hội nhận ra rằng cách nhìn của họ về thế giới có thể bị thách thức ở một trong ba cấp độ sau đây: liệu những gì tôi tin có đúng thật với thế giới khách quan hay không [cái chân]; liệu điều tôi tin có đúng đắn không [cái thiện]; phải chăng niềm tin đó thể hiện đúng loại người mà tôi đang là? (Do vậy, chẳng hạn, việc tôi có đủ tiêu chuẩn phù hợp để giảng khoá học về Habermas hay không, và vì thế liệu tôi làm việc này có phải là điều đúng hay không, tất thảy đều có thể bị tách rời khỏi sự thật của yêu sách rằng tôi quả thực là giảng viên của khoá học; và tất cả những điều này lại hoàn toàn tách biệt với câu hỏi liệu tôi tin rằng cầu thủ cricket Ashley Giles là “tuyệt nhất trần đời” có nói gì về tính cách cá nhân của tôi không). Sự dị biệt hoá văn hoá và sự dị biệt hoá trong yêu sách về giá trị hiệu lực được Habermas khám phá trong nghiên cứu của ông về sự hợp lý hoá thế giới đời sống/rationalisation of the lifeworld.