Tranh cãi [Đức: Streit; Anh: dispute]
Xem thêm: Nghịch lý, Chiến tranh,
Văn bản được xuất bản đầu tiên của Kant, quyển LS, là một tổng quan có tính phê phán cuộc tranh luận về lực của các vật thể; nó khảo sát những lập trường của bên theo Leibniz và bên đối lập lại Leibniz và tìm cách phân xử giữa các bên. Thể cách luận chứng này là đặc điểm của một số tác phẩm của Kant, gồm cả ba quyển Phê phán, cho dù trong PPLTTT, ông có tuyên bố rằng đó là một sự phê phán về quan năng lý tính nói chung - chứ không phải là một phán đoán về “những tác phẩm và những hệ thống” đang cạnh tranh nhau. Quyển Phê phán thứ hai xác lập lập trường phê phán bằng cách đối lập các nghiên cứu về sự thiện tối cao với các nghiên cứu khác (như phái khắc kỷ hay phái Epicure chẳng hạn), trong khi phê phán về năng lực phán đoán được cấu trúc xoay quanh sự tranh cãi giữa nghiên cứu về cái đẹp theo phái chủ trưong sự hoàn hảo do Baumgarten bảo vệ với những yêu sách cho một cảm quan về sở thích được Hutcheson, Burke và những người khác bảo vệ. Tuy nhiên, sự tái dựng của Kant về những tranh cãi và tranh biện trong triết học phê phán lại khác hoàn toàn với quyển LS. Trong các văn bản sau này, những lập trường đối lập được hình thành qua sự thể hiện ẩn danh của sự xung đột giữa lý tính với chính mình. Điều này phục vụ cho mục đích của triết học phê phán cực tốt, bởi lẽ “tòa án phê phán” trong PPLTTT khao khát muốn được là sự khởi đầu mới trong siêu hình học, chứ không chỉ là một mô men khác trong truyền thống siêu hình học. Kết quả là những lập trường bị phê phán trong phần biện chứng pháp, nhất là trong chưong về các nghịch lý, được trình bày như là lý tính đang tranh cãi với chính mình, chứ không phải là những người lập luận đang tranh cãi với nhau. Kỷ luật học của lý tính thuần túy, một cẩm nang chiến lược cho việc giải quyết những tranh cãi của lý tính, cũng thể hiện như một trường hợp khách quan chứ không phải như một thành viên tham gia vào sự tranh cãi đó. Khuynh hướng này của việc thanh lọc lý tính của truyền thống có tác động làm quy giản triết học thành một sự độc thoại, một khuynh hướng bị Hamann (1967) và Herder (1953) phê phán trong “những siêu phê phán” của họ, và được Fichte (1794) đẩy đến cực đoan. Tuy nhiên, khi Kant tham gia tranh cãi xoay quanh ý nghĩa của triết học phê phán, trong quyển PH, thì ông bỏ đi cái mặt nạ của vị phán quan vô tư trong tòa án phê phán, và rõ ràng là ông đã bộc lộ chính mình lẫn triết học phê phán như là những bên có quan tâm trong cuộc tranh cãi về di sản và trách nhiệm chăm lo cho siêu hình học.
Trần Thị Ngân Hà dịch