Tranh cãi [Đức: Streit; Anh: dispute]
Xem thêm: Nghịch lý, Chiến tranh,
Văn bản được xuất bản đầu tiên của Kant, quyển LS, là một tổng quan có tính phê phán cuộc tranh luận về lực của các vật thể; nó khảo sát những lập trường của bên theo Leibniz và bên đối lập lại Leibniz và tìm cách phân xử giữa các bên. Thể cách luận chứng này là đặc điểm của một số tác phẩm của Kant, gồm cả ba quyển Phê phán, cho dù trong PPLTTT, ông có tuyên bố rằng đó là một sự phê phán về quan năng lý tính nói chung - chứ không phải là một phán đoán về “những tác phẩm và những hệ thống” đang cạnh tranh nhau. Quyển Phê phán thứ hai xác lập lập trường phê phán bằng cách đối lập các nghiên cứu về sự thiện tối cao với các nghiên cứu khác (như phái khắc kỷ hay phái Epicure chẳng hạn), trong khi phê phán về năng lực phán đoán được cấu trúc xoay quanh sự tranh cãi giữa nghiên cứu về cái đẹp theo phái chủ trưong sự hoàn hảo do Baumgarten bảo vệ với những yêu sách cho một cảm quan về sở thích được Hutcheson, Burke và những người khác bảo vệ. Tuy nhiên, sự tái dựng của Kant về những tranh cãi và tranh biện trong triết học phê phán lại khác hoàn toàn với quyển LS. Trong các văn bản sau này, những lập trường đối lập được hình thành qua sự thể hiện ẩn danh của sự xung đột giữa lý tính với chính mình. Điều này phục vụ cho mục đích của triết học phê phán cực tốt, bởi lẽ “tòa án phê phán” trong PPLTTT khao khát muốn được là sự khởi đầu mới trong siêu hình học, chứ không chỉ là một mô men khác trong truyền thống siêu hình học. Kết quả là những lập trường bị phê phán trong phần biện chứng pháp, nhất là trong chưong về các nghịch lý, được trình bày như là lý tính đang tranh cãi với chính mình, chứ không phải là những người lập luận đang tranh cãi với nhau. Kỷ luật học của lý tính thuần túy, một cẩm nang chiến lược cho việc giải quyết những tranh cãi của lý tính, cũng thể hiện như một trường hợp khách quan chứ không phải như một thành viên tham gia vào sự tranh cãi đó. Khuynh hướng này của việc thanh lọc lý tính của truyền thống có tác động làm quy giản triết học thành một sự độc thoại, một khuynh hướng bị Hamann (1967) và Herder (1953) phê phán trong “những siêu phê phán” của họ, và được Fichte (1794) đẩy đến cực đoan. Tuy nhiên, khi Kant tham gia tranh cãi xoay quanh ý nghĩa của triết học phê phán, trong quyển PH, thì ông bỏ đi cái mặt nạ của vị phán quan vô tư trong tòa án phê phán, và rõ ràng là ông đã bộc lộ chính mình lẫn triết học phê phán như là những bên có quan tâm trong cuộc tranh cãi về di sản và trách nhiệm chăm lo cho siêu hình học.
Trần Thị Ngân Hà dịch
Tranh cãi giữa các phân khoa [Đức: Streit der Fakultäten; Anh: Conflict of the Faculties]
Được Nicolovius xuất bản lần đầu vào mùa thu năm 1798, XPK, nói theo Kant, gồm “ba khảo luận mà tôi đã viết vì những mục đích khác nhau vào những thời điểm khác nhau” với một Lời tựa và một Lời dẫn nhập. Ba khảo luận - “Sự tranh cãi của Khoa triết học với Khoa thần học”, “Sự tranh cãi giữa Khoa triết học với Khoa Luật học” và “Sự tranh cãi giữa Khoa triết học và Khoa Y học” - đề cập đến vấn đề chung về mối quan hệ giữa tri thức và quyền lực, và đến vấn đề riêng về mối quan hệ giữa đại học và nhà nước bằng một sự bàn luận về mối quan hệ giữa “khoa thấp hon” là Triết học với ba “khoa cao hon” là thần học, luật học và y học. Bối cảnh rộng cho cuốn XPK là sự căng bức ngày càng gia tăng suốt nửa sau của thế kỷ XVIII giữa các yêu sách của các phân khoa cao hon dành cho việc đào tạo có tính cách trách vụ cho các giáo sĩ, luật gia và bác sĩ với những yêu sách của phân khoa triết học, thấp hon muốn phát biểu một cách triết học về các vấn đề của thần học, luật học và y học. Tuy nhiên, ngữ cảnh trực tiếp của văn bản của Kant là sự siết chặt kiểm duyệt theo sau sự lên ngôi của Frederick William năm 1786 với ý đồ muốn đảo ngược tiến trình Khai minh vốn được Frederick II ủng hộ.
Khảo luận thứ nhất liên quan đến sự xung đột của triết học với khoa thần học. Nó nảy sinh trực tiếp từ những khó khăn mà Kant gặp phải với nhà kiểm duyệt tôn giáo khi xuất bản cuốn TG. Cuốn này phải được xuất bản thành bốn phần trong tờ Nguyệt san Berlin mang tinh thần khai minh năm 1792. Phần đăng đầu tiên được nhà kiểm duyệt triết học chấp thuận cho xuất bản, và được đăng vào tháng 4 năm 1792. Ba phần còn lại phải đệ trình cho nhà kiểm duyệt tôn giáo và bị họ rút lại sự cấp phép. Biên tập viên cho tờ Nguyệt san Berlin đã cầu cứu đến cả ủy ban Kiểm duyệt lẫn nhà Vua nhưng không thành công. Kant phản ứng lại bằng cách đệ trình bản thảo trước tiên cho khoa thần học ở Đại học Königsberg để chứng thực rằng nó là một tác phẩm triết học, và vì thế, đặt nó dưới quyền hạn xét xử của nhà kiểm duyệt triết học, và sau đó là đưa ra kiểm duyệt trước phân khoa triết học ở Đại học Jena. Toàn bộ bản thảo nhờ đó đã nhận được sự phê chuẩn, và được xuất bản ở Königsberg năm 1793.
Theo sau các sự kiện xung quanh việc xuất bản cuốn TG, ngày 14 tháng 6 năm 1794, Kant được Carl Friedrich Stäudlin, chủ biên của tạp chí thần học Göttingen, mời viết một bài báo. Kant hồi âm vào ngày 4 tháng 12 cùng năm là ông từ chối lời mời ấy, vì lý do rằng, mặc dù ông đã viết bài, nhưng vì ông nhận được một Sắc lệnh của Nội các vào ngày 1 tháng 10 cáo buộc ông đã lạm dụng triết học của mình để “xuyên tạc và gièm pha nhiều lời giảng chính yếu và Cổ bản của Kinh thánh và Ki tô giáo” và đã dẫn thanh niên đi chệch hướng. Sắc lệnh này đã đe dọa sẽ có “những biện pháp không dễ chịu” trong trường hợp “tiếp tục ngoan cố’. Kant đã hồi âm để tự biện hộ cho mình chống lại những lời cáo buộc ấy, nhưng hứa “từ nay về sau sẽ tránh khỏi mọi bàn luận công khai, trong các bài giảng hoặc viết lách, về tôn giáo, hoặc tôn giáo tự nhiên hoặc tôn giáo khải thị”. Văn bản mà ông đã viết cho Stẳudlin là sự vi phạm đầu tiên đến lời hứa ấy, và được giữ kín cho đến sau khi Frederick William mất năm 1797, khi nó đã hình thành phần đầu tiên trong ba phần của cuốn XPK. Sắc lệnh Nội các và sự hồi đáp của Kant cũng được xuất bản như Lời tựa cho cuốn XPK cùng với một số bình luận gai góc về “mọi sự xâm lấn mới của chính sách ngu dân”.
Khảo luận thứ hai về sự tranh cãi giữa triết học và khoa luật học cũng được viết cho tờ Nguyệt san Berlin và cũng bị các nhà kiểm duyệt từ chối
phê chuẩn. Bài báo, “Một câu hỏi cũ được nêu ra lại: Liệu con người có đang thường xuyên tiến bộ không?” được viết năm 1795, và được xuất bản lại sau cái chết của Frederick William II. Khảo luận thứ ba về sự tranh cãi với khoa Y học là một ngoại lệ không bị nhà kiểm duyệt bắt lỗi. Nó sử dụng hình thức của một lá thư gửi cho c.w. Hufeland và được viết để trả lời cho một bản in của cuốn Macrobiotics, or the Art of Prolonging Human Life [Dinh dưỡng học, hay nghệ thuật kéo dài cuộc sống con người] của Hufeland mà tác giả đã gửi cho Kant cuối năm 1976. Nghiên cứu triết học của Kant về Cổ thể và sức khỏe được Hufeland xuất bản lần đầu năm 1798 trong Tạp chí Dược lý và Phẫu thuật thực hành trước khi nó được xuất hiện trong cuốn XPK.
Ba khảo luận này được nối kết lỏng lẻo bằng một lời dẫn nhập suy tư về sứ mệnh của đại học, sự căng thẳng giữa những đòi hỏi của học thuật với những đòi hỏi của nhà nước, và một sự kêu gọi cho tự do học thuật của phân khoa thấp hon. Những đặc trưng và mục đích giảng dạy của ba phân khoa cao hon được mô tả và phân biệt với những đặc trưng và mục đích của triết học. Các phân khoa cao hon quan tâm đến việc kiểm soát sự lý giải các văn bản tôn giáo và pháp luật và đào tạo các bác sĩ, trong khi phân khoa thấp hon quan tâm trên hết đến sự phê phán công khai. Kant tiến hành khảo sát những điều này, ít nhiều xa rời chủ đề, với thức nhận và sự hóm hỉnh hài hước tuyệt vời. Bất chấp tính chất không được tính trước của cuốn sách, Kant đưa ra nhiều điểm có tính thức nhận sâu sắc về mối quan hệ giữa quyền lực và tri thức, rốt cuộc cố kết lại thành một trường hợp thích hợp cho sự tự do học thuật cũng như một sự đánh giá vẫn rất hợp thời về các lực lượng bên trong và bên ngoài đại học đang đe dọa nó.
Đinh Hồng Phúc dịch