Duy lý (thuyết) [Đức: Rationalismus; Anh: rationalism]
Xem thêm: Triết học phê phán, Giáo điều (thuyết), Duy nghiệm (thuyết), Hoài nghi (thuyết),
Kant sử dụng thuật ngữ “thuyết duy lý” không đồng nghĩa với truyền thống “duy lý” trong lịch sử triết học (Spinoza, Leibniz, Wolff, v.v...), cũng không đồng nhất với thuyết giáo điều. Chỉ duy nhất một lần Kant liên hệ nhà duy lý với nhà giáo điều (PPLTTT B 417); nhưng trước sau ông vẫn đối lập thuyết duy lý với thuyết duy nghiệm. Ông kết luận mục Điển hình luận trong PPLTTH bằng sự đối lập giữa thuyết duy lý với thuyết giáo điều, khẳng định rằng “điều thích hợp cho việc sử dụng những quy luật luân lý chỉ là thuyết duy lý của năng lực phán đoán, vì thuyết này chỉ lấy từ thế giới Tự nhiên cảm tính những gì mà lý tính thuần túy cũng có thể suy tưởng về chính mình” (PPLTTH tr. 71, tr. 73). Quan niệm duy lý về “tính hợp quy luật” nói chung ngăn ngừa và chống lại thuyết duy nghiệm về lý tính thực hành, là thuyết “cắt tận gốc tính luân lý của những ý đồ” (tr. 71, tr. 74). Cũng giống như thế, trong quyển Phê phán thứ ba, các phán đoán thẩm mỹ dựa trên một cơ sở tiên nghiệm cho thấy có thuyết duy lý trong phán đoán thẩm mỹ về sở thích, trong khi các phán đoán thẩm mỹ dựa trên những cơ sở thường nghiệm lại cho thấy có thuyết duy nghiệm trong phán đoán ấy. Cái đẹp không thể nào phân biệt được với cái thiện trong trường hợp đầu, và không thể nào phân biệt được với sự dễ chịu trong trường hợp sau. Như trong PPLTTT, lập trường phê phán được xác lập qua sự đối lập giữa các lập trường trái ngược nhau: ở đây là giữa thuyết duy lý và thuyết duy nghiệm, ở kia là giữa thuyết giáo điều và thuyết hoài nghi. Sự dàn cảnh này cho việc phê phán được Kant đặt ra trong nghiên cứu của mình về sự phê phán thứ nhất trong TBSHH; trong phiên bản này, thuyết duy lý nổi bật lên như là thuật ngữ ưu tiên trong việc đối lập với thuyết duy nghiệm: tuyên bố rằng toàn bộ nhận thức phải được rút ra chỉ từ kinh nghiệm “sẽ mào đầu cho một thuyết duy nghiệm của triết học siêu nghiệm và sự phủ nhận thuyết duy lý của triết học ấy” (TBSHH tr. 275, tr. 83).
Đinh Hồng Phúc dịch